Sáng 3/8, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp để giới thiệu nhân sự và bầu đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Bộ Chính trị điều hành Hội nghị.
Trước khi bước vào phiên họp, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã dành phút tưởng niệm đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại Hội nghị, căn cứ các quy định của Đảng, trên cơ sở định hướng giới thiệu nhân sự của Bộ Chính trị, Trung ương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận dân chủ, suy tôn, thống nhất rất cao với số phiếu tuyệt đối 100% bầu đồng chí Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII.
Chủ trì họp báo sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Tô Lâm khẳng định tận tâm, tận lực, tận hiến vì sự nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam vinh quang, vì nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Phát biểu mở đầu họp báo, tân Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ: Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới mất đi là tổn thất vô cùng to lớn, không thể bù đắp của Đảng ta, Dân tộc ta, Nhân dân ta; ở thời khắc này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè quốc tế đang còn rất xúc động, chưa vơi niềm tiếc thương vô hạn đối với Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của chúng ta.
Song, trước yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên cấp bách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng, phát triển đất nước, chăm lo cuộc sống của Nhân dân, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định chủ trương kiện toàn các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trước hết là chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đây là yêu cầu cấp bách của Đảng, của đất nước hiện nay nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; tạo nền tảng vững chắc đạt các mục tiêu chiến lược kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam; đồng thời xác định tầm nhìn tương lai, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, đóng góp cho hòa bình và phát triển trên thế giới.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, việc bầu chức danh Tổng Bí thư giữa nhiệm kỳ được thực hiện theo đúng quy định Điều lệ Đảng, phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các quy định về công tác cán bộ của Đảng. Đây cũng không phải là vấn đề mới, trong lịch sử Đảng ta cũng đã bầu Tổng Bí thư giữa nhiệm kỳ đối với đồng chí Trường Chinh, đồng chí Lê Khả Phiêu.
Quá trình chuẩn bị, giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư được thực hiện chặt chẽ, đúng nguyên tắc, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, chức danh, quy trình theo quy định của Đảng.
Để bảo đảm sự ổn định, kế thừa, phát triển những kinh nghiệm, những thành tựu mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm và Ban Chấp hành Trung ương các khóa trước đã đạt được, với trách nhiệm cao nhất vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, xem xét nhiều mặt và thể hiện sự thống nhất rất cao trong việc giới thiệu và bầu chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định sẽ cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kế thừa, phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu của Đảng ta; phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc; gắn kết tư tưởng và hành động, ý đảng và lòng dân; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, trước hết là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; tận tâm, tận lực, tận hiến, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam vinh quang, vì nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân là niềm vui, lẽ sống; chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống Nhân dân. Phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất.
Tiếp tục lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những định hướng lớn, đột phá chiến lược mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra 6 trọng tâm là: (1) Giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc. Kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, không ngừng tăng cường đóng góp của Việt Nam vào hòa bình và phát triển ở khu vực và trên thế giới. (2) Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “dân là gốc”, “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau. (3) Tập trung xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. (4) Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, củng cố tiềm lực quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, sản xuất kinh doanh; huy động tối đa nguồn lực xã hội cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. (5) Khơi dậy tinh thần, ý chí, quyết tâm, phát huy cao nhất giá trị văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. (6) Ưu tiên tập trung chỉ đạo có hiệu quả, chất lượng các văn kiện; công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới tổ chức thành công Đại hội XIV của Đảng.
Bên cạnh những thành tựu, kết quả to lớn mà đất nước ta đã đạt được như ngày hôm nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng cho rằng, chúng ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn, tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp. Đại hội lần thứ XIV của Đảng đã đến rất gần, còn rất nhiều nhiệm vụ phải triển khai.
Tại họp báo, trả lời câu hỏi về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định đây là điều dư luận đang rất chờ đợi, đặc biệt sau khi công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động và đạt nhiều kết quả tích cực.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, thời gian tới, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được triển khai mạnh mẽ với phương châm, giải pháp như thời gian qua.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ quan điểm, tập trung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết tại các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy lùi tham nhũng vặt bằng những giải pháp cụ thể.
“Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục làm quyết liệt, triệt để, làm sao chiến thắng được ‘giặc nội xâm’ này”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói.
Gắn liền với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn về thể chế, quy định để tạo khí thế mới, không gian phát triển kinh tế – xã hội…
Trao đổi với báo chí các nội dung về chính sách đối ngoại của Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, đường lối chung của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ về đường lối đối ngoại. Chúng ta sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện thật tốt đường lối này, đây là đường lối được quốc tế đánh giá cao.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, trước hết là phải giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ, tự cường, lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, trước hết. Muốn phát triển phải đoàn kết, tăng thêm sức mạnh, không kể nước lớn nhỏ, không kể xa gần, qua đàm phán trao đổi, tiến tới hiểu biết, gần gũi với nhau hơn, chia sẻ với nhau. “Chúng ta đã có chính sách đối ngoại rất thành công, thể hiện trách nhiệm quốc tế, có trách nhiệm với chính trị thế giới, nền chính trị toàn cầu, văn minh nhân loại, tham gia giải quyết các xung đột với chính sách yêu chuộng hòa bình”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, ưu tiên trong chính sách đối ngoại Việt Nam thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng, đối tác chiến lược, toàn diện, bạn bè truyền thống, không ngừng củng cố tin cậy chính trị, đối ngoại hòa bình, hợp tác cao nhất cho sự phát triển. Cùng với đó là tăng cường sự đóng góp của Việt Nam trong duy trì hòa bình, ổn định khu vực và trên thế giới. Tiếp tục nâng tầm ngoại giao đa phương, phát huy vai trò là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, tiếp tục thực hiện hiệu quả ngoại giao thời đại mới trên cơ sở cốt cách con người Việt Nam, dĩ bất biến ứng vạn biến, hòa hiếu, lấy chí nhân thay cường bạo. Đây là truyền thống của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Phát huy cao độ vai trò đối ngoại, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa… Ưu tiên xây dựng nền ngoại giao hiện đại, kết hợp chặt chẽ đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, trong đó đối ngoại đảng đóng vai trò định hướng dẫn dắt, đối ngoại nhân dân củng cố vững chắc nền tảng ý đảng, lòng dân.