Sáng ngày 15/4/2025, GDU đã đồng hành cùng Viện nghiên cứu Pháp luật và Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số”, quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ; Ủy Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội; Viện nghiên cứu Pháp luật và Xã hội; Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM; Sở Tư pháp TP.HCM; Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM; các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Gia Định; cùng đông đảo thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên đến tham dự.
Tại sự kiện, các chuyên gia sẽ tập trung phân tích nhiều chuyên đề quan trọng, bao gồm: Những vấn đề pháp lý về bảo hộ tài sản trí tuệ để phát triển kinh tế số; Những vấn đề pháp lý về kiểm duyệt nội dung thông tin trên môi trường mạng; Những vấn đề pháp lý về bảo vệ dữ liệu người dùng; Góp ý dự thảo Luật Khoa học – Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số,… Hội thảo không chỉ là diễn đàn chia sẻ kiến thức học thuật mà còn mang ý nghĩa thực tiễn, góp phần định hình khung pháp lý cho nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
NGƯT. PGS. TS Thái Bá Cần – Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế số đang thay đổi diện mạo của xã hội, Trường Đại học Gia Định nhận thức rõ vai trò của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đóng góp vào việc xây dựng khung pháp lý phù hợp. Hội thảo lần này không chỉ là diễn đàn để các chuyên gia chia sẻ kiến thức mà còn tạo cơ hội giúp sinh viên, giảng viên, cán bộ nhân viên nhà trường tiếp cận những vấn đề thực tiễn, từ đó có định hướng nghiên cứu, học tập hiệu quả hơn”.
NGƯT. PGS. TS Thái Bá Cần – Hiệu trưởng Nhà trường và GS. TS Phan Trung Lý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội chủ trì hội thảo
Theo báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, Việt Nam có hơn 70 triệu người sử dụng Internet, chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Điều này cho thấy nền kinh tế số đang bước vào giai đoạn bùng nổ, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều khoảng trống, chưa theo kịp tốc độ đổi mới, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với bối cảnh thời đại.
Phiên thảo luận nhận được nhiều ý kiến đóng góp của khách mời và nhiều chuyên gia đầu ngành
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị trong nước đã chủ động triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy nghiên cứu pháp luật trước bối cảnh kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ. Tại Trường Đại học Gia Định, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên phối hợp tổ chức hàng loạt sự kiện hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của đông đảo chuyên gia pháp lý nhằm trao đổi, thảo luận về lĩnh vực pháp lý, điển hình như: Luật sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, giao dịch điện tử, quản lý dữ liệu số,..
Nhiều năm qua, GDU không chỉ chú trọng đào tạo mà còn khuyến khích đội ngũ giảng viên, cán bộ nhân viên tích cực nghiên cứu, đưa ra những kiến nghị pháp lý giá trị cho các vấn đề mới trong từng lĩnh vực. Sự kiện đồng hành cùng hội thảo khoa học cấp quốc gia “Hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số” là một ví dụ điển hình, thể hiện sự nỗ lực của nhà trường trong việc gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu khoa học với nhu cầu thực tiễn đời sống – kinh tế – xã hội.
ThS. Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định chia sẻ: “Kinh tế số là xu hướng tất yếu của tương lai, do đó pháp luật phải đi kịp để điều chỉnh các quan hệ pháp lý mới phát sinh trong lĩnh vực này. Đây là thách thức lớn đối với ngành giáo dục pháp luật hiện nay, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội giúp những trường đại học như GDU nâng cao năng lực đào tạo, chuẩn bị cho sinh viên một nền tảng kiến thức, kỹ năng vững chắc và cần thiết để trở thành các luật sư, chuyên gia pháp lý giỏi trong tương lai”.
Hiện nay, GDU hiện đang đào tạo 54 ngành/chuyên ngành, trong đó có cả ngành Luật – Luật Kinh tế. Đây là các ngành học mũi nhọn, đón đầu xu hướng phát triển của nền kinh tế số và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, GDU mang đến chương trình đào tạo bám sát thực tiễn, mức học phí cạnh tranh chỉ từ 1,1 triệu đồng/tín chỉ cùng nhiều suất học bổng khuyến học giá trị, tạo điều kiện tối đa để mỗi sinh viên có thể dễ dàng theo đuổi đam mê, phát triển sự nghiệp.
Nhìn về tương lai, GDU đặt mục tiêu mở rộng nghiên cứu pháp luật kinh tế số, hướng tới việc xuất bản các công trình khoa học trên tạp chí quốc tế vào năm 2026. Nhà trường cũng lên kế hoạch triển khai nhiều khóa học bổ ích về “Pháp luật trong chuyển đổi số” dành cho giảng viên, cán bộ nhân viên và sinh viên để góp phần nâng cao nhận thức pháp lý trong xã hội.
“GDU không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo sinh viên khối ngành Luật thành những chuyên gia pháp lý xuất sắc, mà còn góp phần xây dựng khung pháp lý phù hợp cho nền kinh tế số tại Việt Nam. Trong một thế giới mà công nghệ và pháp luật ngày càng gắn kết, sự nỗ lực của GDU là bước đi đúng đắn, mở ra triển vọng tươi sáng cho nền giáo dục nước nhà”, ThS. LS Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định nhấn mạnh.
Cùng ngày, nhà trường cũng đã làm lễ khánh thành Phòng thực hành Luật tại GDU, không gian này được kỳ vọng sẽ giúp sinh viên phát triển tư duy phản biện, kỹ năng xử lý tình huống và bản lĩnh nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Đây không chỉ mở ra một không gian học tập hiện đại mà còn là minh chứng thể hiện sự nỗ lực của nhà trường trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho người học.
Nghi thức cắt băng khánh thành không gian học mới của GDU
Các đơn vị đồng hành cùng nhà trường thực hiện Phòng Thực Hành Luật
Được đầu tư trang thiết bị hiện đại, Phòng Thực hành luật của GDU mô phỏng không gian của một phiên tòa thực thụ
Với sự kiện lần này, GDU tiếp tục khẳng định là một ngôi trường học tập hiện đại, gắn liền với thực tiễn, giúp sinh viên phát triển toàn diện cả kiến thức lẫn kỹ năng nghề nghiệp. Đây là bước tiến quan trọng giúp kết nối chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp của các bạn trẻ trong tương lai.
Phan Thái