Các công ty trong khu vực, các tập đoàn lớn… đều có chiến lược bài bản, làm giàu cho hệ sinh thái của mình bằng cách tốn ít nguồn lực nhất là thâu tóm các công ty khởi nghiệp mới nổi ở Việt Nam.
Năm 2023, thị trường M&A Việt Nam đạt giá trị hơn 4,4 tỷ USD và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo, theo KPMG Việt Nam. Đáng chú ý, việc mua bán và sáp nhập không chỉ diễn ra ở những lĩnh vực truyền thống như bất động sản, bán lẻ, tài chính… mà đang phát triển mạnh mẽ sang những lĩnh vực kinh tế mới như công nghệ, kinh tế số.
Bởi lẽ, công nghệ đang phát triển và thay đổi chóng mặt. Bất kì công ty nào, dù là “ông lớn” công nghệ như Google, Meta, Microsoft…, cho đến các tập đoàn sừng sỏ và lâu đời đều đang phải đối diện với việc bị đối thủ vượt trước về công nghệ.
Để rút ngắn khoảng cách công nghệ, trước đây, các tập đoàn lớn đều chi hàng tỷ USD mỗi năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Nhưng R&D là quá trình đầu tư dài hơi và cũng tiềm ẩn rủi ro nếu kết quả nghiên cứu không thể thương mại hóa. Vì vậy, các tập đoàn lớn ngày nay rút ngắn quãng đường đến với công nghệ mới bằng việc săn tìm các startup, công ty khởi nghiệp có giải pháp công nghệ mới nổi, để tiến hành sáp nhập.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Do Ventures, cho biết ngành công nghệ Việt Nam chứng kiến sự hồi sinh của hoạt động mua bán và sáp nhập trong những năm gần đây, cho thấy sự chuyển dịch năng động theo hướng hợp nhất và mở rộng chiến lược.
Đó cũng là lý do thị trường M&A Việt Nam cũng xuất hiện những người mua mới, gồm công ty quy mô khu vực, công ty công nghệ lớn và tập đoàn trong nước. Mỗi công ty đều có những chiến lược riêng biệt thúc đẩy mục tiêu mua lại của họ.
Với bên mua là các công ty quy mô trong khu vực, các chiến lược M&A thường thấy là các siêu ứng dụng quy mô khu vực mua lại các công ty dẫn đầu thị trường để đẩy mạnh hệ sinh thái. Điển hình là các thương vụ SEA Group mua lại Foody (2018) và mua đa số cổ phần trong Giao hàng Tiết kiệm (2017). Ngoài ra, họ cũng mua lại các công ty cùng ngành đang dẫn đầu thị trường nhằm củng cố vị thế, như Mynavi mua lại IT Viec (2020), Woowa Brothers mua lại Vietnammm (2019), Traveloke mua lại Mytour (2018).
Với công ty công nghệ lớn trong khu vực, họ thường mua lại các công ty khởi nghiệp đã được cấp phép trong các lĩnh vực có quy định pháp luật chặt chẽ thay vì tự xin cấp phép mới, nhằm tiết kiệm thời gian và nguồn lực. Điển hình như Grab mua lại Moca (2018), Ant Financial mua lại eMonkey (2019), Gojek mua lại Wepay (2016) hay Truemoney mua lại 1Pay (2017).
Bà Lê Mỹ Nga, Chủ tịch Angels Innovation Capital, cho biết hoạt động M&A giúp doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo mở bằng việc hợp nhất với các đối tác có cùng tầm nhìn sáng tạo cũng như từ nguồn vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm. M&A giúp tạo ra hệ sinh thái tài chính linh hoạt để hỗ trợ cả quá trình nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, ngoài các “ông lớn” trong khu vực, những công ty công nghệ lớn trong nước cũng có chiến lược mua lại các startup giai đoạn đầu nhằm nâng cấp và mở rộng hệ sinh thái kinh doanh. Điển hình như thương vụ FPT mua lại Base.vn (2021), Momo mua lại Nhanh.vn (2022) và Pique AI (2021), Tiki mua lại Ticketbox (2019). Hay họ tìm kiếm các công ty khởi nghiệp số với mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số như Vinmec (công ty con của Vingroup) mua lại Vicare (2018), Masan mua lại Mobicast (2021) hay Galaxy Media & Entertainment mua lại Hocmai (2020).
Khi thị trường công nghệ trong nước ngày một trưởng thành, các startup nội địa cũng trở thành đích đến mới của các công ty và tập đoàn lớn. Còn phía các doanh nghiệp địa phương, khi có nguồn lực mạnh mẽ, họ cũng đã chuyển từ những người tham gia thụ động sang những kiến trúc sư chủ chốt để xây dựng thị trường M&A, tích cực nâng cao năng lực công nghệ và sự hiện diện trên thị trường thông qua các giao dịch chiến lược.
“Nhiều doanh nghiệp trong nước bắt đầu tham gia đổi mới sáng tạo mở thông qua hoạt động M&A. Tôi được biết một số tập đoàn lớn, chủ tịch tập đoàn đã thành lập ban riêng về M&A, hàng tháng sẽ lựa chọn các doanh nghiệp để bắt đầu sáp nhập, vừa lấy được công nghệ và thị trường”, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết.
Một dự báo cho thấy trong vòng 5 năm tới, các startup sẽ chiếm 44% trong các nguồn đổi mới sáng tạo cho các tập đoàn, doanh nghiệp từ lớn tới nhỏ. Đây là xu hướng có lợi cho cả công ty khởi nghiệp và các tập đoàn doanh nghiệp. Startup sẽ có thêm nguồn lực (tài chính, nhân sự, cơ sở hạ tầng, mạng lưới khách hàng…) đến từ các “ông lớn” để mở rộng quy mô. Còn các tập đoàn, doanh nghiệp có thêm công nghệ mới, giải pháp mới để nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối thủ.