Loạt cổ phiếu bất động sản ghi nhận tăng kịch trần với lượng cầu gia tăng mạnh, tuy nhiên nguồn cung khá nhỏ giọt khi nhiều nhà đầu tư chưa muốn thoát hàng. Nhiều mã trong tình trạng trắng bảng chiều dư bán, tuy nhiên chiều dư mua vẫn còn hàng triệu đơn vị chờ đợi.
Có thể kể đến các mã cổ phiếu bất động sản nổi bật trong phiên như PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt, DXG của Tập đoàn Đất xanh; FDC của Công ty Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM…
Cổ phiếu PDR ghi nhận hơn 17 triệu cổ phiếu khớp lệnh, kết phiên vẫn còn dư mua hơn 5 triệu đơn vị. Trong khi đó, DXG có hơn 22 triệu cổ phiếu được trao tay và hơn 2 triệu cổ phiếu dư mua.
Nhiều cổ phiếu có mức tăng tốt như DIG tăng 5,7%; NVL tăng 4,9%, CEO tăng 8,3%… Phiên giao dịch hôm nay, ngày 20/8, cũng ghi nhận sự trở lại mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu họ Vin khi xu thế tăng tiếp tục được duy trì, trong đó VHM tăng trên 2%, VIC tăng 1,3%, đứng trong số 10 cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến thị trường chứng khoán.
Như vậy, toàn nhóm cổ phiếu bất động sản dân cư có mức tăng trung bình 2,1%, trong khi chỉ số VN-Index chỉ tăng 0,8%, tương đương với mức tăng gần 11 điểm. Cùng đó, tiền đổ vào nhóm cổ phiếu bất động sản cũng kích hoạt dòng tiền chung, đẩy thanh khoản toàn thị trường lên mạnh mẽ nhất là trong phiên chiều với 21 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn.
Thời gian qua, nhiều cổ phiếu bất động sản đã giảm sâu do khó khăn của ngành. Tuy nhiên diễn biến trên đang cho thấy niềm tin của nhà đầu tư dành cho ngành này, nhất là trong bối cảnh nhiều mã đã giảm mạnh về gần đáy; giá vàng đang tăng cao và dòng tiền đầu tư được kỳ vọng sẽ tìm đến các kênh trú ẩn an toàn như bất động sản.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bất động sản đã giảm 22% so với cùng kỳ mà ngành bất động sản dân cư vẫn chưa phục hỗi. Điểm tích cực là lợi nhuận quý 2 của các doanh nghiệp đã có phần khởi sắc khi tăng nhẹ hơn 4% so với quý 1.
Tuy nhiên, thách thức với ngành bất động sản dân cư không ít. Theo ACBS, vấn đề trái phiếu bất động sản vẫn tạo áp lực lên tâm lý thị trường khi ước tính có khoảng 138 ngàn tỷ đồng chậm nghĩa vụ thanh toán tính đến tháng 6 năm nay, ngoại trừ một số doanh nghiệp như NVL hay DXG.
Các luật mới liên quan đến bất động sản đã có hiệu lực góp phần tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, giúp thị trường ổn định và phục hồi bền vững hơn. Tuy nhiên, biên lợi nhuận các doanh nghiệp bất động sản có thể bị ảnh hưởng khi “Luật Đất đai cũng được dự báo sẽ tạo áp lực về chi phí vốn ban đầu cho các chủ đầu tư dự án do chi phí đền bù gia tăng (bảng giá đất mới, cập nhật hàng năm), tỷ lệ nhận đặt cọc giảm…”, ACBS nhận định.
Ở một diễn biến khác, ngày 19/8, phiên đấu giá 19 thửa đất tại ngoại thành Hà Nội đã thu hút sự chú ý của dư luận khi kéo dài khoảng 18 giờ, trải qua nhiều vòng và thu hút khoảng 500 khách hàng với khoảng 1.500 hồ sơ tham gia đấu giá. Các lô đất có diện tích 74-118 m2 với giá khởi điểm từ 7,3 triệu mỗi m2. Tuy nhiên, lô có giá trúng cao nhất lên tới 133,3 triệu đồng/m2 đã gây bất ngờ cho nhiều người.
Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, thông tin trên dường như chưa đủ sức thuyết phục về sự phục hồi của thị trường bất động sản. Việc tham gia đấu giá trên có người có nhu cầu thực sự nhưng cũng có hội nhóm đấu giá ‘làm nghề’, nếu trúng sẽ trao tay, ăn chênh lệch, theo đó tâm lý đám đông khó tránh khỏi.