Ngày 12/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với các đơn vị về triển khai một số nhiệm vụ liên quan đến chính sách giá điện.
Chia sẻ trong cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết từ nay đến năm 2025 còn rất nhiều việc phải làm để triển khai thực hiện Quy hoạch điện 8, trong đó quan trọng là phải ban hành các cơ chế, chính phát phát triển nguồn, hệ thống truyền tải, thị trường điện…
“Mục tiêu đặt ra là sẽ xây dựng, hoàn thiện thị trường điện Việt Nam, cả thị trường phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh, bán lẻ cạnh tranh, nhưng hiện tại vẫn chưa thực hiện được”, ông Diên nói.
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Trần Việt Hòa nêu 7 nhóm nhiệm vụ cần thực hiện và phân công nhiệm vụ cho các đơn vị để thực hiện Quy hoạch điện 8.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công thương chỉ đạo báo cáo cần nêu rõ công việc cụ thể gắn với trách nhiệm từng đơn vị chức năng, đặc biệt đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện một số chính sách trong năm nay.
Cụ thể để triển khai thực hiện Quy hoạch điện 8 và phát triển nguồn, ông Diên cho rằng, cần thực hiện sớm 5 cơ chế chính sách phát triển nguồn như: Cơ chế chính sách lựa chọn nhà đầu tư; ban hành khung giá của các loại hình điện năng; cơ chế khuyến khích phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi; cơ chế chính sách cho nguồn năng lượng mới như pin lưu trữ; cơ chế chính sách phát triển khí hydrozen và amoniac.
Để chuyển đổi nguồn, ông Diên cho biết cần có cơ chế chính sách chuyển đổi nhiên liệu từ nhà máy than sang amoniac; cơ chế xử lý đối với các dự án điện than mà các dự án chậm tiến độ.
Với cơ chế phát triển hệ thống truyền tải, Bộ trưởng cho biết cần tách bạch giá và phí truyền tải trong giá thành điện năng. Bổ sung trong Luật Điện lực và đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Quy hoạch để có Quy hoạch phát triển điện tỉnh, thành phố.
Về thị trường điện, Bộ trưởng chỉ đạo phải rà soát, sửa đổi, hoàn thiện và ban hành 5 cơ chế giá: khung giá mua bán điện theo khung giờ; giá điện 2 thành phần; giá và phí truyền tải; giá điện mặt trời áp mái vượt cung cầu sử dụng của các hộ gia đình, cơ quan doanh nghiệp; cơ chế giá điện nhập khẩu từ Lào và Trung Quốc.
Ông Diên nhấn mạnh đây là những nhiệm vụ cấp bách phải hoàn thành để Quy hoạch điện 8 được duyệt, đảm bảo có đủ nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Vì vậy, quan điểm của Bộ Công thương khi giao nhiệm vụ cho các đơn vị là đồng bộ theo chuỗi, không bị cắt khúc. Làm rõ đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm, mỗi việc chỉ 1 đơn vị làm, các đơn vị khác phối hợp.
Kế hoạch sẽ có 8 nhóm nhiệm vụ, trách nhiệm thuộc về 10 đơn vị (6 đơn vị chức năng thuộc Bộ: Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Dầu khí và Than, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp và Vụ Pháp chế, Viện Năng lượng; 3 đơn vị liên quan: EVN và các đơn vị thành viên, PVN và các đơn vị thành viên, TKV và các đơn vị thành viên).
“Yêu cầu các đơn vị chức năng phải thực hiện nghiêm các công việc được giao, không chuyển công việc cho đơn vị khác. Từng đơn vị chủ trì phải đề xuất được chính sách cụ thể trong quý 3, quý 4 năm nay và số còn lại phải ban hành trong năm 2025. Đề nghị đơn vị đề xuất chính sách cụ thể phải đề xuất được trước ngày 15/7 mang tính hệ thống, xuyên suốt. Trước mắt, triển khai 16 cơ chế chính sách đã được đưa ra”, Bộ trưởng nhấn mạnh.