Để có thêm dư địa phát triển ngoài thanh toán số, các ví điện tử mở rộng hoạt động sang lĩnh vực mua trước, trả tiền sau (BNPL). Tuy nhiên tỷ lệ chấp nhận thấp và rủi ro pháp lý khiến BNPL chưa thực sự phát triển.
Bày những “thực đơn” đa dạng
Tính tới cuối năm 2022, thị trường Fintech (công nghệ tài chính) Việt Nam có tất cả 260 công ty hoạt động, theo Nextrans. Tuy nhiên, đa phần hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán, với 81 công ty, chiếm 31,1%.
Những người chơi lớn nhất trên thị trường nay phải kể đến MoMo và ZaloPay, lần lượt nắm giữ 68% và 53% thị phần, theo Statista. Nhưng dù đi đầu trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số, 2 công ty này vẫn chưa thể đạt tới mức độ phổ biến như Alipay hay WeChatPay của Trung Quốc, vốn được xem là hình mẫu ví điện tử của đất nước tỷ dân.
Bởi lẽ, các ngân hàng truyền thống giờ đây đang nhanh chóng bắt kịp cuộc đua chuyển đổi số. Họ đang cạnh tranh mạnh mẽ với các công ty khởi nghiệp Fintech, bằng cách tận dụng công nghệ để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Nhiều ngân hàng Việt Nam đã đạt 90% giao dịch thực hiện qua kênh số, vượt kế hoạch chuyển đổi số của Ngân hàng Nhà nước là 70% vào năm 2025.
Vì vậy, để mở rộng dư địa phát triển, các ví điện tử buộc phải trở thành các siêu ứng dụng, phát triển thêm nhiều tính năng, không chỉ dừng lại ở phạm vi thanh toán. Đó là lý do trong 2 năm qua, hàng loạt ví điện tử tại Việt Nam như MoMo, ZaloPay, ShopeePay, Viettel Pay, VN Pay… đều lũ lượt ra mắt tính năng mua trước, trả tiền sau (BNPL), nhằm mở rộng tiếp cận đến đối tượng khách hàng có thu nhập thấp và trung bình.
Hãy tưởng tượng, khi bạn muốn mua một món đồ trị giá 5 triệu đồng, nhưng bạn hiện chỉ có 2 triệu đồng. Bạn đang cần gấp món đồ đó nhưng lại không thể vay ngân hàng và không muốn vay nặng lãi, lúc đó giải pháp BNPL là cứu cánh. Lĩnh vực này dự báo sẽ ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ khi ngày càng có nhiều cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng truyền thống.
Khi chuyển trọng tâm sang cho vay kỹ thuật số, các công ty fintech có thêm cơ hội từ việc chuyển đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, cung cấp cho họ con đường để vay tiền, đặc biệt các khoản vay ngắn hạn. Mặc dù việc cho vay đối với những người không có tài khoản ngân hàng hoặc tín dụng thấp có thể gặp rủi ro, nhưng nó có thể mang về lợi nhuận cao hơn.
Không dễ để khách hàng “chọn món”
Tuy vậy, mọi thứ không dễ dàng như thế, trong bối cảnh lĩnh vực mua trước trả sau tại Việt Nam chưa có hành lang pháp lý hỗ trợ. Điều này tạo ra rủi ro trong hoạt động cho cả công ty BNPL lẫn người tiêu dùng. Cụ thể, nếu có phát sinh vấn đề, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ rất khó được bảo vệ, còn phía các công ty cung cấp dịch vụ có thể phình to nợ xấu. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh cho vay ở Việt Nam cần có giấy phép, điều mà hầu hết các startup khó để xin được.
Đó là lý do nhiều fintech theo đuổi mảng này đã phải rút lui khỏi thị trường. Atome, công ty có trụ sở tại Singapore, chính thức tuyên bố rời khởi Việt Nam hồi năm ngoái, mặc dù vẫn duy trì hoạt động tại các thị trường khác. Một startup khác là Ree-Pay cũng phải dừng hoạt động và rao bán mình.
Ông Dragan Bozic, CEO Ree-Pay rút ra bài học xương máu khi khởi nghiệp trong lĩnh vực mua trước trả sau ở Việt Nam. Ông cho biết, nền tảng BNPL có lợi nhuận “nhỏ xíu” và cần bán thêm các dự án tài chính truyền thống khác nằm trong danh mục ngân hàng để kiếm lợi nhuận mà không đốt tiền của nhà đầu tư. Điều này dẫn đến việc các startup không thể tồn tại trong mùa đông gọi vốn, họ phải ra đi do không huy động được vốn mới hoặc tự tăng tỷ suất lợi nhuận.
Chưa kể, việc thực thi Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân đặt ra thách thức cho các ví điện tử, công ty fintech tại Việt Nam. Việc cấm mua hoặc bán dữ liệu cá nhân khi chưa có sự đồng ý sẽ cản trở hoạt động của các công ty này, những đơn vị hoạt động chủ yếu dựa trên dữ liệu khách hàng, ảnh hưởng tới sự phát triển và mở rộng các giải pháp mới. Vì vậy, các ví điện tử, công ty fintech buộc phải tốn thêm nguồn lực đầu tư cho các biện pháp bảo mật, bảo vệ dữ liệu người dùng.
Trong khi đó, dù chiếm thị phần lớn nhưng tình hình kinh doanh của nhiều ví điện tử tại Việt Nam chưa thực sự thuận lợi. Kết thúc năm 2022, mức lỗ của MoMo là gần 1.150 tỷ đồng, con số này ở Zalo Pay là hơn 1.300 tỷ đồng, ShopeePay âm hơn 200 tỷ đồng, theo Vietdata. Để duy trì hoạt động, các ví điện tử này hầu hết đều dựa vào nguồn tài trợ từ công ty mẹ hay các khoản đầu tư mạo hiểm kêu gọi được. Do đó, trong bối cảnh các nguồn tài trợ thu hẹp, các ví điện tử sẽ ngày càng khó khăn hơn để duy trì hoạt động và cạnh tranh với các đối thủ.
Vì vậy, các ví điện tử phải chuyển trọng tâm từ việc “đốt tiền” khuyến mãi nhằm lôi kéo khách hàng, sang việc cải tiến công nghệ, xây dựng hệ sinh thái toàn diện, nâng cao trải nghiệm khách hàng để giữ chân người dùng và kích thích họ thanh toán nhiều hơn thông qua các ví điện tử.