Story, một công ty khởi nghiệp công nghệ sử dụng công nghệ blockchain để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đã huy động được 80 triệu USD, dẫn đến việc định giá công ty ở mức 2,25 tỷ USD.
Hôm thứ Tư vừa qua, công ty khởi nghiệp Story có trụ sở tại San-Francisco cho biết, họ đã huy động được 80 triệu đô la tài trợ cho một công nghệ blockchain được thiết kế để ngăn chặn việc các trí tuệ nhân tạo, như OpenAI, khai thác tài sản trí tuệ khi chưa được tác giả cho phép.
Theo các nguồn tin trong cuộc, vòng gọi vốn đã giúp định giá công ty chỉ mới hai tuổi này ở mức 2,25 tỷ USD.
Story cho biết, họ đã huy động vốn trong vòng Series B – thường là vòng tài trợ lớn thứ ba trong hành trình phát triển của một công ty khởi nghiệp tư nhân sau đợt gọi vốn seed và Series A. Đợt huy động vốn này được dẫn đầu bởi Andreessen Horowitz, còn được gọi là a16z. Công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào tiền điện tử, Polychain, cũng đã đầu tư vào vòng này.
Story hiện không mang lại lợi nhuận và cũng không tiết lộ doanh thu. Nhưng công ty này đang được nhóm ủng hộ đặt kỳ vọng cao vào khả năng trở thành giải pháp cho các tác giả, chủ sở hữu tài sản trí tuệ tìm kiếm đền bù khi nội dung của họ được khai thác bởi các nền tảng trí tuệ nhân tạo phổ biến, như ChatGPT của OpenAI và công cụ tìm kiếm Perplexity.
Cách thức hoạt động của Story dựa vào blockchain, một cơ sở dữ liệu duy trì biên bản ghi lại các hoạt động. Đây là công nghệ đứng đằng sau các loại tiền điện tử, chẳng hạn như bitcoin và ether.
Story hoạt động như một mạng lưới blockchain, cho phép người sáng tạo nội dung chứng minh rằng họ đã tạo ra nội dung đó, là chủ sở hữu tài sản trí tuệ bằng cách lưu trữ IP (intellectual property – tài sản trí tuệ) của họ trên nền tảng của hãng.
Công nghệ của Story tích hợp những điều khoản như phí cấp phép và thỏa thuận cho phép phát hành, chia sẻ, tiền bản quyền, vào một hợp đồng kỹ thuật số thông minh ứng dụng blockchain.
Điều này làm cho IP của chủ sở hữu bản quyền “có thể lập trình được”, SY Lee, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Story, giải thích. Vì nó cho phép chủ sở hữu đặt ra các quy tắc về cách sử dụng tài khoản trí tuệ và chi phí nếu muốn sao chép hoặc phân phối nội dung này.
Lee cho biết, lợi ích của việc này là nó giúp loại bỏ những phương thức trung gian thường liên quan đến các tranh chấp bản quyền.
Lee nói với CNBC: “Bây giờ nó đã chuyển từ IP thành IP Lego”. “Bây giờ, bạn không cần phải thông qua luật sư. Bạn không cần phải thông qua các đại lý, hay nhà phát hành. Bạn không cần phải thực hiện cuộc đàm phán phát triển kinh doanh kéo dài. Bạn chỉ cần đưa các điều khoản cấp phép, chia sẻ tiền bản quyền vào các hợp đồng kỹ thuật số nhỏ”.
Story kiếm lợi nhuận bằng cách tính phí cho bất kỳ hành động nào diễn ra trên mạng lưới của họ.
Một ví dụ là Ablo, một công cụ AI cho phép người dùng tự tạo ra những món đồ thời trang bằng cách sử dụng các thiết kế có sẵn từ các thương hiệu, bao gồm hãng quần áo thiết kế Pháp Balmain và hãng thời trang cao cấp Ý, Dolce & Gabbana. Các thương hiệu được trả phí mỗi khi ai đó sử dụng thiết kế của họ thông qua công cụ Ablo.
Story cũng đang tìm cách chống chọi một vấn đề nhức nhối trong thời đại mới: Đánh cắp nội dung có bản quyền để sử dụng huấn luyện mô hình AI như ChatGPT của OpenAI.
Những mô hình AI này ngày càng tiêu thụ một lượng lớn dữ liệu để tạo ra nội dung, trả lời các câu hỏi,…
Nhưng những dữ liệu mà AI sử dụng thường đến từ các nguồn nội dung có bản quyền.
Năm ngoái, New York Times đã kiện Microsoft và OpenAI, đòi bồi thường thiệt hại do lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ của tờ báo này.
AI cần nội dung để “sống”, nhưng nếu họ không chuẩn bị để trả phí cho các hãng phát hành, các nhà sở hữu IP, thì AI sẽ bị thiệt hại về tài chính. Và đây là nhiệm vụ cho các nền tảng như Story.
Một dự án tương tự của Đại học Chicago, có tên là Glaze, cung cấp một ứng dụng miễn phí cho các nghệ sĩ để chống lại hành vi trộm cắp IP của AI với công nghệ phá vỡ khả năng đọc dữ liệu của mô hình AI.
Story, được thành lập vào năm 2022, có kế hoạch sử dụng số vốn mới gầy dựng để xây cơ sở hạ tầng mạng IP, và thu hút thêm nhiều đối tác. Công ty hiện đã có hơn 200 nhà phát triển sử dụng nền tảng của họ.