Quý đầu tiên của năm nay vẫn ghi nhận sự sụt giảm dòng vốn đầu tư vào startup công nghệ Việt Nam. Điều này cho thấy những khó khăn vẫn chưa qua và thị trường cần một cú hích mới.
Báo cáo của Tracxn Technologies – Nền tảng dữ liệu thị trường tư nhân về thị trường đầu tư mạo hiểm Việt Nam trong quý đầu năm đã cho thấy những con số đáng suy ngẫm.
Báo cáo ghi nhận số tiền tài trợ cho hệ sinh thái Việt Nam đạt 35,7 triệu USD (từ đầu năm đến 15/3). Dù cải thiện hơn rất nhiều so với quý 4 năm ngoái là 6,3 triệu USD, nhưng so với cùng kì năm trước là 58,6 triệu USD, con số này tiếp tục giảm 39%.
Điều đáng nói, phần lớn nguồn tài trợ đổ về Be Group, startup cung cấp dịch vụ đặt phương tiện di chuyển, giao hàng nhanh… với 31,2 triệu USD, chiếm hơn 87% nguồn vốn huy động cả thị trường. Số vốn rót vào Be Group ở vòng Series B, tức giai đoạn startup đã có thành công nhất định trong hoạt động, chứng minh được mô hình, sản phẩm kinh doanh phù hợp với thị trường và đang trong giai đoạn mở rộng đội ngũ và phạm vi hoạt động. Điều này phù hợp với khẩu vị “ăn chắc, mặc bền” của các quỹ đầu tư trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Họ lựa chọn rót vốn vào những startup đã chứng minh năng lực thật sự chứ không chỉ là ý tưởng.
Nhưng Việt Nam hiện có tới 3.800 startup đang hoạt động. Việc Be Group là startup hiếm hoi được rót vốn, lại chiếm đến 87% nguồn vốn huy động của cả thị trường đồng nghĩa phần còn lại đang ngày càng khó khăn hơn, kể cả những startup đã qua giai đoạn hạt giống.
Dữ liệu của Tracxn cũng cho thấy nguồn vốn tài trợ trong giai đoạn hạt giống tại Việt Nam chỉ đạt 4,5 triệu USD trong quý đầu năm. Điều này cho thấy các startup gọi vốn lần đầu hay startup mới thành lập đang dần yếu đi trong đường đua gọi vốn. Bởi những công ty ở giai đoạn này còn quá non trẻ, nhiều rủi ro khi phát triển trong một thị trường nhiều biến động như hiện nay. Các quỹ đầu tư muốn tiền luôn sinh sôi nảy nở, nhưng càng muốn bảo toàn vốn hơn bao giờ hết. Vì vậy với startup ở giai đoạn hạt giống, họ sẽ phải cân nhắc rất kĩ về khả năng thu hồi khoản đầu tư của mình, thay vì tâm lý sợ bỏ mất cơ hội như trước kia.
Một chi tiết khác trong báo cáo của Tracxn đó là các ngành thu hút nhiều tài trợ nhất gồm công nghệ ô tô (Auto Tech) với 31,2 triệu USD và công nghệ giáo dục (EdTech) với 2,5 triệu USD. Như vậy, công nghệ tài chính (fintech) đã mất đi vị trí kẻ dẫn đầu cuộc đua gọi vốn sau nhiều năm.
Trong những năm qua, fintech tại Việt Nam đã phát triển rất nhanh khi tỷ lệ người dùng internet, thiết bị di động gia tăng… nhưng chủ yếu tập trung ở lĩnh vực thanh toán vì pháp lý được mở. Các lĩnh vực khác như tiền điện tử, P2P Landing (cho vay ngang hàng), Quản lý quỹ, chứng khoán, Insutech (công nghệ bảo hiểm) chưa có khung khổ pháp luật điều chỉnh.
Dự thảo Nghị định Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (còn gọi là khung sandbox cho fintech) đã được khởi động từ năm 2021, trải qua 7 phiên bản dự thảo, nhưng đến nay vẫn chưa rõ thời gian hoàn thành.
Cộng đồng fintech đang rất mong chờ Nghị định này vì các lĩnh vực này trên thị trường vẫn phát triển tự phát, thường gặp nhiều rủi ro pháp lý nên các startup khó mở rộng quy mô cũng như khó huy động vốn đầu tư. Đây là minh chứng cho thấy tác động của chính sách đến thị trường khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm. Điều này đặt trách nhiệm lên vai những nhà làm chính sách cần có sự nhanh nhạy, kịp thời trong việc nắm bắt các xu hướng mới, lĩnh vực mới.
Chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) năm 2023 cũng chứng minh nơi nào có chính sách tốt cho doanh nghiệp, startup phát triển, nơi đó có chỉ số PII cao hơn.
Hà Nội tập trung đầu tư cho nhân lực nghiên cứu phát triển, nhờ vậy số lượng tài sản trí tuệ thuộc nhóm đầu cả nước. Nơi này thu hút 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Còn TP.HCM tập trung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạ tầng số. Sau 10 năm, TP.HCM từ số 0 vươn lên thứ 113/1.000 thành phố có hệ sinh thái hởi nghiệp sáng tạo năng động toàn cầu, luôn chiếm 50% số lượng startup và vốn đầu tư mạo hiểm cả nước.
Các “ngôi sao” đổi mới sáng tạo khác như Đà Nẵng, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nam Định… cũng là những địa phương có những cách làm hay, chính sách mới trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, startup
Ngược lại, những địa phương còn lại chiếm thang điểm PII rất thấp như Yên Bái, Sơn La, Quảng Trị, Lai Châu, Hà Giang, Gia Lai, Đắk Nông, Điện Biên, Cao Bằng… cho thấy mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các tỉnh này còn chưa cao.
Đây cũng là công cụ để các địa phương soi chiếu, từ đó có chính sách đặc thù thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là khoa học công nghệ. Bởi trong thời đại kinh tế số, việc phát triển của bất cứ ngành nghề, lĩnh vực kinh tế nào từ khai thác nông lâm ngư nghiệp, du lịch, vận tải, thương mại… đều không tách rời việc đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để mang lại hiệu quả cao hơn, tiết giảm chi phí hơn. Vì vậy, để doanh nghiệp, startup có động lực phát triển, hơn hết cần có những chính sách đặc thù mở đường và sự hỗ trợ của các nhà chức trách.