Nông nghiệp xanh đang được coi là “hot trend” khi toàn cầu hướng tới giảm carbon, nhưng vẫn thiếu bóng dáng các quỹ đầu tư lớn rót vốn vào lĩnh vực này.
“Cá mập” còn thờ ơ
Năm 2023, ngành nông nghiệp Việt Nam đạt mức tăng trưởng 3,83%, cao nhất trong thập kỷ qua. Nông nghiệp đóng góp khoảng 12% vào GDP của Việt Nam và là lĩnh vực quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại hơn 12 tỷ USD, chiếm 42,5% tổng thặng dư thương mại của Việt Nam.
Nhưng con số trên chưa tỉ lệ thuận với dòng vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp. Nhiều năm qua, lĩnh vực tiềm năng, giàu lợi thế và quan trọng bậc nhất này mới thu hút chưa đến 1% vốn FDI đổ vào Việt Nam, trong khi mức trung bình trên thế giới vào khoảng 3%. Trong số vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp, chỉ có 18% đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tình trạng thiếu vắng nguồn vốn vào nông nghiệp cũng xảy ra trong thị trường đầu tư mạo hiểm.
Ông Jack Nguyễn, Giám đốc Quỹ đầu tư BLOCKBASE Việt Nam, cho biết có khá ít quỹ đầu tư (VC) rót vốn vào nông nghiệp. Có một nhánh nhỏ các nhà đầu tư công nghệ đầu tư vào agritech (công nghệ nông nghiệp), nhưng agritech phát triển nhất trên thế giới hiện giờ tập trung ở Ấn Độ và cũng tập trung chủ yếu vào mảng công nghệ nuôi trồng thuỷ hải sản, trái cây hay ở Israel. Còn ở khu vực Đông Nam Á, chưa thấy có quỹ đầu tư nào đủ lớn đầu tư trong lĩnh vực này.
Ở mảng nông nghiệp thuần, ông Jack Nguyễn cho biết các nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực là nhà đầu tư chiến lược, tức các nhánh coporate VC (các VC thuộc các tập đoàn lớn, chủ yếu đến từ Nhật, Hàn). Đầu tư của họ mang tính chiến lược cao, tức họ nhìn đơn giản là nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thông qua các nhánh thương mại lớn, qua hoạt động xuất nhập khẩu. Điển hình như Tập đoàn Marubeni, Mitsui (Nhật Bản) họ đầu tư lớn vào mảng này của Việt Nam.
“Năm 2018, tôi làm cố vấn cho tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú bán cổ phần cho Mitsui và các nhà đầu tư Nhật Bản với hơn 300 triệu USD. Mảng này vẫn là khối nhà đầu tư chiến lược đầu tư nhiều, với thương vụ lớn. Còn tầng đầu tư startup hầu như không có ở Việt Nam”, ông Jack Nguyễn nói.
Cần những cái bắt tay chặt hơn
Tại Israel, nơi không có lợi thế tài nguyên thiên nhiên để phát triển nông nghiệp, nhưng họ là nơi khởi nghiệp tiềm năng cho những công ty nông nghiệp công nghệ cao. Số lượng công ty công nghệ nông nghiệp, công nghệ thực phẩm và nước sạch chiếm 7,1% trong tổng số công ty công nghệ cao tại đây.
Sự phát triển công nghệ nông nghiệp bắt nguồn từ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa giới học thuật, nông dân và những ngành liên quan đến nông nghiệp. Họ tận dụng hệ thống đổi mới sáng tạo để khắc phục tình trạng khan hiếm về nước và đất canh tác. Ngành chiếm tới 8,6% trong tổng số công ty công nghệ cao ở Israel năm 2022, theo Annual Report.
Với ngành công nghệ thực phẩm tại Israel, hơn 230 công ty trong lĩnh vực này huy động hơn 1,1 tỷ USD vào năm 2021 và 2022. Đây cũng là nước đứng đầu thế giới về đầu tư vào ngành công nghệ thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật chiếm 22% so với toàn cầu. Ngành công nghiệp này đang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ một hệ sinh thái gồm nhiều thành phần trong lĩnh vực công tư.
Ông Gal Saf, Tham tán, Trưởng phòng Kinh tế và Thương mại Israel, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, nói trong Báo cáo đổi mới sáng tạo mở 2023 rằng sự hợp tác giữa các lĩnh vực công và tư đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Để xây dựng một hệ sinh thái phồn thịnh, Chính phủ đã tạo ra sự liên kết mạnh mẽ giữa học viên/viện nghiên cứu – các ngành công nghiệp – quân đội – tập đoàn đa quốc gia – quỹ đầu tư mạo hiểm – các đơn vị khởi nghiệp.
“Bằng cách tạo ra một cộng đồng mở và cung cấp nguồn tài trợ trong giai đoạn của quá trình đổi mới, Chính phủ Israel tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển trong môi trường ‘nhà kính’, giúp họ mở rộng và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân và quốc tế”, ông Gal Saf nói và nhấn mạnh sẽ sẵn sàng kết nối các đơn vị khởi nghiệp tại Israel đến Việt Nam để góp phần giải quyết các thách thức tại đây.
Quay trở lại với Việt Nam, ông Surajit Rakshit, Giám đốc toàn quốc Trung tâm thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng, HSBC Việt Nam, cho biết Việt Nam có vị trí địa lý đặc biệt nên dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, sẽ tác động nghiêm trọng đến nông nghiệp. Do đó chính phủ Việt Nam nên đặt trọng tâm vào phát triển nông nghiệp xanh để giảm lượng khí thải cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu như châu Âu, Mỹ. Điều này cũng giúp Việt Nam sớm đạt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0.
Vị này cho biết, để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, Việt Nam cần có ưu đãi nhất định liên quan đến tài chính xanh. Ngoài ra cần có kế hoạch thực hiện rõ ràng quy hoạch điện 8 để thu hút đầu tư nước ngoài.