Dù “đánh Đông, đánh Tây” nhưng nhiều startup ngoại vẫn khó khăn khi phát triển ở thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam là thị trường dễ tính nhưng còn nhiều thách thức với startup ngoại.
Kết thúc năm tiếp theo của “mùa đông gọi vốn” cũng đánh dấu sự ra đi của nhiều startup ngoại. Nổi bật nhất trên truyền thông có lẽ là cuộc rút quân của Baemin, gã khổng lồ giao hàng Hàn Quốc, sau 4 năm bước chân vào Việt Nam. Dù đã chiếm 12% thị phần giao đồ ăn tại đây và tạo dựng được hình ảnh tích cực trong mắt khách hàng, nhưng điều đó chưa đủ để startup này tiếp tục hoạt động.
Tương tự, Atome, “kỳ lân” cung cấp dịch vụ mua trước, trả sau (thuộc Tập đoàn Advance Intelligence, Singapore) cũng xác nhận rời Việt Nam sau hơn 1 năm hoạt động tại đây, trong khi vẫn duy trì hoạt động ở một số nước Đông Nam Á khác Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines.
ZoomCar, ứng dụng cho thuê ô tô tự lái đến từ Ấn Độ, cũng tuyên bố rời Việt Nam sau 2 năm hoạt động, do điều kiện kinh doanh ở đây còn quá khó khăn.
Cũng trong năm qua, danh sách startup có các nhà sáng lập ngoại rời khỏi thị trường Việt Nam cũng nhiều thêm. Điển hình như nền tảng thương mại điện tử B2B Kilo “tạm ngừng kinh doanh có thời hạn”, hay fintech mua trước trả sau Ree-Pay cũng đang rao bán mình cho một ngân hàng.
Điều này cho thấy việc kinh doanh ở một môi trường đặc thù như Việt Nam vốn không dễ dàng, dù nơi đây vẫn là thị trường dễ tính, năng động và cũng dễ dàng hấp thụ cái mới.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP, lấy ví dụ về sự khác biệt giữa thị trường khởi nghiệp Singapore và Việt Nam. Nếu startup được sinh ra trong một môi trường phát triển như Singapore, họ quen thuộc với hệ sinh thái khởi nghiệp nhanh chóng, nhận được nhiều sự giúp đỡ của nhiều tổ chức như Chính phủ, các quỹ đầu tư, thị trường có quy mô chấp nhận được.
Nhưng khi đến Việt Nam thì những điều đó sẽ rất khác biệt. Các founder không thể sử dụng những tư duy đó ở Singapore áp dụng lên thị trường Việt Nam. Họ cần cập nhật lại toàn bộ kiến thức mới, tư duy mới để nghiên cứu hành vi, văn hóa ở Việt Nam nhằm đạt được sự thành công ban đầu.
Vị này gợi ý 3 ưu tiên hàng đầu mà các nhà đầu tư, công ty, startup ngoại nên để ý khi vào thị trường Việt Nam: quan tâm đến các chính sách của chính phủ; chú trọng con người và văn hóa bản địa và cuối cùng các bạn phải có sự linh hoạt và có khả năng thích ứng nhạy bén.
“Các bạn nên nhớ là hãy theo dõi và tuân theo luật lệ của Chính phủ. Nên tìm đến sự hỗ trợ từ các cố vấn và các doanh nghiệp địa phương, như vậy sẽ nhanh chóng hiểu hơn về văn hóa làm việc ở đây”, bà Hằng gợi ý.
Dựa trên kinh nghiệm hàng chục năm là cầu nối các tập đoàn, nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam, bà Lê Thu Lụa, Trưởng Đại diện Tập đoàn Sunwah tại Hà Nội, cho biết Việt Nam là đất nước có văn hóa rất đa dạng và khác biệt, do vậy, nhiều công ty khởi nghiệp đến đây không đủ kiên nhẫn để nghiên cứu thị trường, thử nghiệm sản phẩm, dẫn đến việc nhanh chóng thất bại.
“Ở Việt Nam, nếu bạn làm nhanh quá thì nó có thể không hiệu quả nên đôi khi bạn phải thực hiện nó từ từ. Ví dụ như khi xây dựng quan hệ đối tác, cần có thời gian thiết lập mạng lưới và tạo sự tin cậy trong ngành của bạn . Tôi có thể gợi ý rằng trước khi bạn đến thị trường này bạn hãy thực hiện nghiên cứu thị trường. Có thể thực hiện khảo sát thị trường bằng nhiều kênh thông qua phương tiện truyền thông xã hội hoặc bất cứ điều gì. Bạn cũng có thể kết nối với đối tác địa phương trước tiên để họ giúp đỡ bạn thu thập thông tin trước khi bạn tiến hành hoạt động kinh doanh ở đây”, bà Lụa gợi ý.
Vị này cũng cho biết, “sự kết nối “ rất quan trọng cho những nhà khởi nghiệp. Đó là kết nối với khách hàng, chính phủ và các doanh nghiệp địa phương bởi vì chính họ sẽ trở thành những người bạn đồng hành và hỗ trợ các startup tốt nhất.
Ông Nguyễn Đức Long, Đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hà Nội (NIC), cho biết những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những sự hỗ trợ tích cực cho hệ sinh thái đổi mới và sáng tạo trong nước. Điển hình như việc khánh thành NIC cơ sở Hòa Lạc để hỗ trợ các doanh nghiệp có phát minh đổi mới cũng như nâng cao đội ngũ nhân lực lao động cấp cao để đáp ứng phục vụ nhu cầu cho toàn bộ hệ sinh thái.
NIC hiện đã hợp tác với các tổ chức uy tín khắp thế giới, tổ chức hội thảo thường niên như Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam; Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam, nhằm thu hút cách quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Chúng tôi đang cố gắng cải cách các quy định khuôn khổ dành cho các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam bằng cách tổ chức các đối thoại với các quỹ đầu tư mạo hiểm và các công ty khởi nghiệp cũng như để xác định và tháo gỡ các rào cản khi các nhà đầu tư muốn đầu tư vào thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam”, ông Long nói.