Đầu tháng 8, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng liên tục giảm và giao dịch cách xa mức giá trần theo quy định hơn 130 đồng. Tuy nhiên, dựa trên triển vọng đồng USD duy trì sức mạnh tương đối và áp lực về cầu ngoại tệ trở lại, con đường ổn định tỷ giá sẽ còn một nhịp “gập ghềnh” phía trước.
Tỷ giá VND/USD liên tục giảm và cách xa mức giá trần hơn 130 đồng
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đầu tháng 8, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại liên tục giảm và giao dịch cách xa mức giá trần theo quy định hơn 130 đồng. Sáng nay (12/8) tỷ giá trung tâm tiếp tục giảm 4 đồng so với sáng 9/8, xuống còn 24.256 VND/USD. Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần hôm nay là 25.469 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.043 VND/USD.
Đây là kết quả do đồng USD đã yếu đi và hiệu quả từ việc NHNN sử dụng dự trữ ngoại hối. Nhờ đó, các doanh nghiệp cũng giảm bớt gánh nặng tài chính.
“Tỷ giá VND/USD mà thấp xuống được, chỉ một chút thôi, doanh nghiệp chúng tôi cũng đã tiết kiệm được vài chục đến cả trăm triệu, từ đó tăng tính cạnh tranh về giá”, ông Trịnh Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Đầu tư thương mại công nghiệp Hà Nội chia sẻ.
Tỷ giá giảm, không chỉ doanh nghiệp hưởng lợi, mà việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng khởi sắc hơn. Theo thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 7 tháng đầu năm nay đạt khoảng 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất 5 năm qua. Cùng với đó, tỷ giá hạ nhiệt giúp mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục ổn định ở mức thấp.
“Tỷ giá giảm sẽ có lợi cho trả nợ nước ngoài bằng chính đồng USD và có lợi hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vì chênh lệch lãi suất ít đi, cộng thêm tỷ giá ổn định tạo ra tâm lý khá yên tâm”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đánh giá.
Mặc dù đồng Việt Nam đã mất giá gần 5% so với USD, tính từ đầu năm 2024 và có thể tiếp tục mất giá trong quý 3, cho đến khi Cục dự trữ liên bang Mỹ FED hạ lãi suất, nhưng theo nhận định của một số chuyên gia, sau giai đoạn này, tỷ giá sẽ nhanh chóng hạ nhiệt khi được hỗ trợ bởi thặng dư thương mại, lượng kiều hối về Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt và vốn FDI giải ngân tích cực.
“Biến động này nằm trong xu thế chung của hầu như toàn bộ các đồng tiền châu Á, và các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển vốn liên kết chặt chẽ với USD, vốn là đồng tiền quan trọng nhất trong các hoạt động thương mại, đầu tư, cũng là đồng tiền dự trữ toàn cầu mang tính thanh khoản cao nhất”, các chuyên gia nhận định.
Cụ thể, trong 6 tháng qua, đồng Yen giảm 14%, đồng Won giảm 7% và các đồng tiền của Thái Lan, Indonesia, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc)… cũng mất giá khoảng 6% so với USD. Các ngân hàng Trung ương các nền kinh tế này dùng nhiều biện pháp can thiệp thị trường khác nhau trong nỗ lực ổn định vĩ mô, hạn chế dòng vốn ngoại được rút ra và sự mất giá đồng nội tệ. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế và cơ quan quản lý cũng phải hành động tương tự.
Áp lực mới trên cung cầu ngoại tệ
Dựa trên triển vọng đồng USD duy trì sức mạnh tương đối và áp lực về cầu ngoại tệ trở lại, chứng khoán VDSC cho rằng, mặc dù sức ép về mặt lý thuyết có thể bớt “căng” hơn song con đường ổn định tỷ giá sẽ còn một nhịp gập ghềnh phía trước.
Điểm tựa lớn nhất để “kìm” đà tăng của tỷ giá VND/USD chính là kỳ vọng vào việc FED sẽ hạ lãi suất đồng USD. Theo thống kê của CME FedWatch Tool, 97,5% nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên tại kỳ họp tháng 9, mức giảm kỳ vọng đã tăng lên 0,5% trước số liệu về việc làm tháng 7 kém tích cực và rủi ro địa chính trị gia tăng.
“Cần tiếp tục theo dõi những động lực chính khác đối với đồng tiền này gồm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, chênh lệch lợi suất giữa Mỹ và các nền kinh tế khác và vai trò trú ẩn của đồng USD trước các rủi ro địa chính trị”, VDSC nhận định.
Bên cạnh đó, với thị trường trong nước, tỷ giá không chỉ chịu tác động của thị trường thế giới mà còn phụ thuộc vào cầu trong nước. Theo đó, cầu USD thường tăng vào giai đoạn cuối quý 3, đầu quý 4 do nhu cầu nhập máy móc, nguyên liệu phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm; hay như quy mô của khoản mục lỗi và sai sót trong cán cân thanh toán tổng thể vốn hay đi cùng với áp lực tỷ giá cũng thường tăng mạnh vào quý 3.
“Kịch bản cơ sở đối với tỷ giá USD/VND thị trường liên ngân hàng có thể tăng lên 25.500 VND/USD và giảm trở lại còn 25.300 VND/USD vào cuối năm. Kịch bản lạc quan hơn xảy ra với điều kiện hai áp lực kể trên đều được kiểm soát, khi đó, tỷ giá có thể giảm về mức 25.000 VND/USD vào cuối năm”, VDSC dự báo.