Các công ty game Việt đang nắm bắt xu hướng tốt để cho ra những game theo nhu cầu thị trường. Đặc biệt, ngành game đã được Chính phủ bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, một số trường đang tiến hành mở mã ngành đào tạo nhân lực game. Điều này giúp ngành game Việt sớm cán mốc doanh thu 1 tỷ USD.
Những con số biết nói
Tại Ngày hội Game Việt Nam (Vietnam GameVerse 2024) hôm 11/5, những con số được đưa ra cho thấy sự phát triển mạnh của ngành game Việt: một trong những thị trường có số nhà phát triển lớn nhất thế giới, là thị trường trò chơi và ứng dụng hàng đầu của Google (đứng thứ 2 ở khu vực châu Á Thái Bình Dương APAC về doanh thu từ bên mua và bên bán, đứng thứ 4 về lượt tải ứng dụng). Việt Nam cũng là quốc gia lập trình xếp thứ hạng cao trên thế giới, có hơn 35.000 nhà lập trình game, xấp xỉ các quốc gia lớn như Trung Quốc.
“Các công ty game Việt có khả năng nắm bắt xu hướng tốt, cho ra những game theo nhu cầu thị trường. Giai đoạn Covid-19, các đơn vị liên tục phát hành nhiều dòng game đáp ứng nhu cầu giải trí tại gia. Điển hình là dòng game hyper casual game với ưu điểm dễ làm, dễ hoàn vốn. Các đơn vị Việt ngay lập tức nắm bắt cơ hội này cho ra những game hấp dẫn, giúp tăng lượng tải của game Việt trên toàn cầu”, bà Emily Nguyễn, Giám đốc Kinh doanh Google Ads, Gaming và Apps tại thị trường Việt Nam, cho biết.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chất lượng các trò chơi và ứng dụng của Việt Nam còn thấp, vòng đời ngắn (chỉ bằng 2/3 với mức trung bình toàn cầu). Việc eCPM (kiếm tiền qua quảng cáo) với 10% doanh thu của nhà phát triển đến từ quảng cáo trong ứng dụng cũng là một điểm trừ trong sự phát triển của ngành Game Việt.
Dưới góc nhìn của mình, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành Trò chơi trực tuyến tại VNGGames, cho rằng các dòng sản phẩm game “mì ăn liền” dù vòng đời ngắn, chưa sản phẩm tầm cỡ thế giới nhưng phù hợp với sự phát triển của Việt Nam ở giai đoạn vừa qua. Đây là bước đệm xây dựng nền tảng cho ngành, khi tích lũy đủ số lượng mới dẫn đến sự thay đổi về chất, không thể xuất hiện ngay những “ông lớn” như Riot, Tencent.
Hiện Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng thị trường game và ứng dụng trị giá 2,7 tỷ USD lên 26 tỷ USD vào năm 2026, tốc độ tăng trưởng 28%. Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong năm qua, Chính phủ quyết định không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành game. Lần đầu tiên, ngành game được đưa vào chương trình đào tạo chính quy đại học (tại Học viên Bưu chính Viễn thông). Các đơn vị cũng thuyết phục Chính phủ ban hành chiến lược phát triển ngành game. Đây là những nền tảng giúp ngành game Việt có thể tăng tốc trong giai đoạn tới.
Cần những bằng cử nhân trong ngành game
Cho rằng việc đào tạo là nền móng dài hơi cho game, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, nhấn mạnh game không còn là hình thức giải trí mà còn là không gian ảo để mọi người học hỏi, trải nghiệm những cái mới và sau đó áp dụng vào thực tế. Game có thể ứng dụng trong bài giảng về lịch sử để tạo hứng thú cho người học hay áp dụng trong nhiều ngành nghề khác.
Lấy ví dụ về game Trung Quốc, thị trường hàng đầu thế giới với hơn 600 triệu người chơi. Năm 2018, có 1,45 triệu người làm trong ngành game ở nước này, trong đó 60% có bằng cử nhân trở lên, theo Gamma. Cùng thời điểm đó, ở Bắc Mỹ có khoảng 45.000 người và ở Hàn Quốc là 85.000 người làm việc trong ngành trò chơi điện tử. “Tuyển thủ e-sports” và “người điều hành thể thao điện tử” trở thành những ngành nghề mới trong hệ sinh thái kỹ thuật số của Trung Quốc.
Ở Việt Nam, năm 2020, doanh thu ngành game của Việt Nam là 12.000 tỷ, tương đương mức tăng trưởng 200% so với năm 2015. Thị trường thu hút 25.000 nhân sự, phục vụ 32 triệu người chơi trong nước, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông Bảo cho rằng cần phát triển ngành game theo tư duy ứng dụng vào nhiều ngành nghề trong xã hội. Vì vậy, cần đào tạo bài bản với cơ sở giảng dạy chuyên sâu, có mã ngành liên quan đến game.
“Trong sản xuất game, nếu ý tưởng tốt thì sẽ có sản phẩm tốt và sẽ hút nhà đầu tư. Các studio đừng quá lo lắng ngân sách hay nền tảng mà phải chú trọng ý tưởng, có nghĩa chất lượng nhân lực phải đi lên. Vì vậy, công tác đào tạo là việc đầu tiên phải làm”, ông Bảo nhấn mạnh.
Là người chủ trì xây dựng chương trình Thiết kế và Phát triển Game tại Học viện Bưu chính Viễn thông, TS. Cao Minh Thắng cho biết ngành game cần nhân lực chất lượng cao vì năng lực thiết kế game trong nước còn hạn chế, chủ yếu nhập, chỉnh sửa, phát hành; thiết kế dòng game đơn giản; theo xu hướng, ít sáng tạo. Công nghệ thiết kế và phát triển còn lạc hậu, quá tập trung dòng game mobile. Các nhà phát triển trong nước chưa tận dụng thế mạnh công nghệ mới, đặc biệt là AI dù đây là công nghệ hot.
Để đào tạo người làm game trình độ cao cần ít nhất 4 năm. Ngoài kiến thức liên ngành, nền tảng khoa học tự nhiên, nhân sự ngành game cần có cả kiến thức về văn hóa xã hội, gần đây là marketing, luật, đồ họa.
Ông Thắng cho biết, hiện thế giới có 100 chương trình đào tạo game, hầu hết là ở Âu Mỹ và bắt đầu từ cách đây 30 năm. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hiện tập trung hai ngành: thiết kế kịch bản và phát triển game và sẽ mở rộng trong tương lai. Ở năm đầu, cấu trúc trong 8 kỳ học với 135 tín chỉ.
“Học viện có nhiều cơ chế ưu đãi và những hỗ trợ đến từ cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ dự án làm ra những game hay, hấp dẫn ngay trên ghế nhà trường và tiến tới phát hành thành công”, ôgn Bảo nhấn mạnh.