Làn sóng hàng hóa từ Trung Quốc đang tạo ra nhiều hiện tượng tại các nền kinh tế Đông Nam Á, với ảnh hưởng sâu rộng và phức tạp.
Bài 1: Mất cân bằng thương mại
Sự mất cân bằng thương mại giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc là kết quả của tranh chấp thương mại từ các cường quốc phương Tây. Điều này buộc các công ty Trung Quốc di chuyển dây chuyền sản xuất của họ vào Đông Nam Á để né tránh các biện pháp kiểm soát.
Charles Austin Jordan, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của công ty nghiên cứu chính sách Rhodium Group của Hoa Kỳ, cho biết: “Trung Quốc coi đầu tư vào các nước khác là một chiến lược phòng ngừa rủi ro”.
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng này đã làm dịu nhu cầu từ Trung Quốc đối với nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian từ Đông Nam Á, đồng thời làm tăng dòng chảy của các sản phẩm đó theo hướng khác. Trong nhiều trường hợp, sản phẩm cuối cùng được gửi sang thị trường phương Tây. Thật vậy, xuất khẩu của Đông Nam Á sang Mỹ đã vượt hơn 10 tỷ USD xuất khẩu sang Trung Quốc trong quý từ tháng 1 đến tháng 3.
Đối với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung, việc điều chỉnh lại này khá có lợi về mặt cân bằng, theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế HSBC.
“Với sự giúp đỡ của thương mại với Trung Quốc, ảnh hưởng của ASEAN trong thương mại toàn cầu cũng ngày càng sâu sắc”, các chuyên gia kinh tế HSBC viết trong một báo cáo nghiên cứu , chỉ ra rằng “từ khoảng 80 tỷ USD trong thời kỳ đại dịch, thâm hụt thương mại của ASEAN với Trung Quốc đã tăng lên gần 115 USD tỷ.”
Sự thay đổi này cũng đang tạo ra những chuyển biến phức tạp mới. Tháng trước, Mỹ đã áp dụng mức thuế lên tới 250% đối với các tấm pin mặt trời nhập khẩu do các công ty Trung Quốc sản xuất tại Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Vào năm 2022, bốn công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc bị phát hiện đã trốn thuế nhập khẩu Mỹ bằng cách vận chuyển sản phẩm của họ qua Đông Nam Á, nhưng các mức thuế phạt tạm thời được đình chỉ để kích thích nhu cầu năng lượng mặt trời đối với người tiêu dùng Mỹ.
Lĩnh vực năng lượng mặt trời của Đông Nam Á, cũng như các ngành công nghiệp xanh khác, phần lớn bị chi phối bởi các công ty Trung Quốc như một phương thức lách thuế quan vào thị trường phương Tây.
Chuyên gia Charles Austin Jordan, thuộc Rhodium Group, cho biết: “Hiện tượng này tạo ra vấn đề cho các nền kinh tế mới nổi, bởi các chính phủ phương Tây sẽ xem xét kỹ lưỡng chuỗi cung ứng của họ hơn”.
Trong nhiều trường hợp, các chính quyền Đông Nam Á tìm kiếm đầu tư vào ngành sản xuất sản phẩm năng lượng sạch.
Chẳng hạn, để chiêu dụ các hãng xe điện Trung Quốc như BYD và Great Wall Motor đầu tư vào các nhà máy địa phương, Thái Lan đã cho phép các công ty này nhập khẩu sản phẩm xe điện không mất thuế, kích cầu thị trường trong nước và nhiều biện pháp giảm thuế.
Tuy hành động này có lợi cho các hãng Trung Quốc, nhưng lại làm đau đầu các đối tác gạo cội như Honda Motor, vốn đã sản xuất xe và linh kiện tại Thái Lan từ lâu.
Cùng lúc, Thái Lan lo ngại xuất khẩu sản phẩm năng lượng sạch của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại của Trung Quốc với thế giới phương Tây.
Ngành sản xuất nguyên vật liệu và máy móc ngành xây dựng của Trung Quốc, vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng bất động sản, cũng được chính quyền nơi đây chuyển hướng sức ép qua các nước khác. Điều này khiến doanh nghiệp tại Đông Nam Á cảm thấy họ phải gánh chịu chi phí để cứu vớt doanh nghiệp Trung Quốc.
Năm ngoái, hơn 1.300 nhà máy ở Thái Lan đóng cửa, tăng 60% so với năm trước. Theo Bộ Công nghiệp Thái Lan, từ tháng 1 đến tháng 5, 500 nhà máy khác phải đóng cửa, dẫn đến 15.342 việc làm bị mất.
Việc Trung Quốc chuyển hướng sản xuất dư thừa không chỉ làm giảm doanh thu nội địa của các công ty Đông Nam Á. Varma của Nomura chỉ ra rằng hàng xuất khẩu rẻ hơn của Trung Quốc cũng có thể khiến các nhà xuất khẩu Đông Nam Á thiệt hại về doanh thu ở các thị trường nước ngoài khác.
Tuy nhiên, lo ngại sự trả đũa từ Bắc Kinh, các quan chức Đông Nam Á đã phải vội vàng khẳng định việc giám sát nhập khẩu của họ không chỉ nhắm vào hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các nền tảng thương mại điện tử như Shopee của Singapore, Lazada thuộc sở hữu của Alibaba và TikTok Shop của ByteDance rõ ràng đã mang lại cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc một cầu nối mới để tiếp cận những khách hàng Đông Nam Á.
Nhìn chung, các nền tảng thương mại điện tử trong khu vực đã xử lý tổng giá trị hàng hóa trị giá 114,6 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 15% so với một năm trước đó, theo công ty tư vấn Momentum Works của Singapore.
Chaovalit Pakpianthakolphol, chủ tịch ban xúc tiến xuất khẩu SME của Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, cho biết: “Kênh phân phối lớn nhất của doanh nghiệp Trung Quốc là Lazada hoặc Shopper. Với hai kênh phân phối này, họ thậm chí không cần phải đăng ký công ty tại Thái Lan”.
Vào năm 2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), được ký kết bởi 10 thành viên ASEAN cũng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, đã tiếp tục hạ thấp các rào cản đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Đông Nam Á. Hiệp ước đặt ra các quy tắc về thương mại điện tử và bảo vệ sở hữu trí tuệ nhưng không có điều khoản nào nhằm hạn chế trợ cấp của chính phủ cho các ngành xuất khẩu.
Các quốc gia châu Á khác ngoài ASEAN cũng đang phải vật lộn với những vấn đề tương tự. Trong 2023, Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, ghi nhận thâm hụt thương mại với Trung Quốc lần đầu tiên sau 31 năm êm đẹp.
Trong khi các công ty Hàn Quốc vẫn dẫn đầu các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao như chất bán dẫn, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng nước này đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế rẻ hơn cho những sản phẩm cơ bản như đồ gia dụng, quần áo và phụ kiện. Các công ty trong nước cũng đang tìm nguồn cung ứng nhiều sản phẩm công nghệ cao từ Trung Quốc, bao gồm cả điện thoại smartphone và pin.
Các nhà phân tích đã liên kết dòng hàng hóa Trung Quốc ngày càng tràn vào Hàn Quốc với sự gia tăng các vụ phá sản doanh nghiệp. Gần 1.000 công ty Hàn Quốc nộp đơn xin phá sản trong nửa đầu năm nay, tăng so với con số 724 cùng kỳ năm ngoái.
Thế nhưng, thay vì hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc, chính phủ Hàn Quốc hồi tháng 5 đã đồng ý đẩy nhanh việc mở rộng hiệp định thương mại tự do hiện có với Trung Quốc cũng như đẩy mạnh đàm phán về hiệp định ba bên bao gồm Nhật Bản.
Úc cũng đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình sau nhiều năm bị Trung Quốc chặn thương mại đối với các hàng rượu vang, thịt bò, gỗ, than đá và các hàng hóa khác do căng thẳng chính trị. Hầu hết các rào cản thương mại đã được dỡ bỏ trong năm qua khi chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese nỗ lực xây dựng lại mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Hoa đại lục.
Các sản phẩm ngách khác bị Bắc Kinh cấm cửa trong những năm gần đây bao gồm len từ New Zealand, rượu từ Pháp và chuối từ Philippines. Nông dân trồng sầu riêng ở Thái Lan có thể cần phải cẩn thận nếu mọi việc trở nên căng thẳng giữa Bangkok và Bắc Kinh.