Các Big Tech (công ty công nghệ lớn) đang tỏ ra tích cực hơn so với các quỹ đầu tư trước những công nghệ mới như AI, trở thành nhà đầu tư tích cực cho các startup trong năm 2023.
Các “ông lớn” không còn ngồi yên
Năm 2023, những khó khăn kinh tế dẫn đến sự sụt giảm trầm trọng của dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong quý 3/2023 ở mức thấp nhất kể từ quý 3/2016, khối lượng giao dịch ở mức thấp nhất kể từ quý 2/2019, theo KPMG.
Nhưng trong những u ám đó, lại có những tia ấm mới từ mùa đông gọi vốn. Đó là sự xuất hiện của một thế lực nhà đầu tư mới trên thị trường vốn mạo hiểm – các công ty Big Tech.
Dữ liệu từ PitchBook cho thấy, một loạt thương vụ đầu tư startup đến từ các “ông lớn” công nghệ như Microsoft, Google và Amazon đã chiếm 2/3 trong tổng số 27 tỷ USD mà các startup AI huy động được vào năm 2023.
Các thương vụ này bùng nổ sau sự ra đời của ChatGPT vào tháng 11/2022. Kể từ đó, AI tạo sinh hay mô hình ngôn ngữ lớn có khả năng tạo ra video, văn bản, hình ảnh và âm thanh đã thu hút sự quan tâm của toàn cầu, trong đó có cả giới đầu tư và các Big Tech tại Thung lũng Silicon.
Thế nhưng, dữ liệu cho thấy các Big Tech dường như đang mạnh dạn hơn so với các nhà đầu tư truyền thống trong các thương vụ công nghệ mới này. Xu hướng này cho thấy sự chuyển dịch trong tư duy sử dụng nguồn lực của các tập đoàn.
Trước đây, các Big Tech muốn có giải pháp, sản phẩm mới thường phải đầu tư cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển). Số tiền dành cho hoạt động này lên tới từ vài chục tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Nhưng các tập đoàn nhận ra rằng nếu họ chỉ dựa vào nguồn lực nội tại sẽ đi rất chậm so với các đối thủ, những kẻ có thừa tiền, thừa điều kiện và sự máu chiến để đầu tư cho hoạt động R&D. Do vậy, cuộc chạy đua về thời gian đã khiến sự cạnh tranh công nghệ của các BigTech ngày càng nóng.
Trong bối cảnh đó, sự phát triển của startup với những ý tưởng vượt trội, bắt kịp xu hướng, đã trở thành nguồn lực mới trên thị trường. Các Bigtech đã nhìn thấy các startup công nghệ mới nổi sẽ giúp họ rút ngắn cuộc đua thời gian này.
Nguồn lực mới thúc đẩy thị trường
Câu hỏi đặt ra rằng phải chăng các “cá mập” truyền thống họ đã bàng quan trước các cơ hội kiếm tiền, họ không nhìn thấy tiềm năng của các startup công nghệ mới hay họ đã hết nguồn lực sau sự lao dốc của các cổ phiếu công nghệ?
Một báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company tiết lộ rằng dù thị trường ảm đạm nhưng các quỹ vẫn liên tục hút vốn. Dòng tiền dự trữ trong thị trường mạo hiểm toàn cầu đã tăng lên 15,7 tỷ USD vào cuối năm 2022, từ mức 12,4 tỷ USD vào năm 2021.
Như vậy, không phải họ thiếu tiền, cũng không phải họ không nhìn thấy cơ hội, mà trước thị trường nhiều biến động, họ buộc phải thận trọng hơn. Bởi “vết xe đổ” của SoftBank vẫn còn đó. Giai đoạn trước đại dịch, quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản điên cuồng “săn” các công ty công nghệ mới nổi với tham vọng sẽ có thêm nhiều Alibaba tiếp theo.
Thế nhưng biến động của thị trường, sự chủ quan đã khiến quỹ này nhận “trái đắng”. Chỉ tính riêng khoản đầu tư vào WeWork đã khiến SoftBank lỗ hơn 11,5 tỷ USD vốn cổ phần, chưa kể 2,2 tỷ USD mà startup đang nợ SoftBank. Cùng với đó, khoản lỗ kỷ lục 32 tỷ USD của Vision Fund (quỹ chủ lực của SoftBank) trong năm 2022, đã khiến tiềm lực và uy tín của quỹ chao đảo.
Thực tế, ở thời điểm thăng hoa của thị trường, rất nhiều quỹ có tư duy kiểu SoftBank, tức họ liên tục săn tìm startup với kỳ vọng chỉ vài % trong số đó thành công, quỹ cũng “ăn đủ”. Sự dễ dãi của các quỹ đầu tư là lỗ hổng để nhiều startup “thổi phồng” định giá, mập mờ trong các khoản chi tiêu và qua mặt rất nhiều nhà đầu tư. Khi thị trường đi xuống, những lỗ hổng đó phơi bày, startup lao dốc cũng thổi bay hàng loạt các khoản tiền mà các quỹ đầu tư vung ra. Lúc này, họ mới nhận ra rằng họ cần phải chậm lại để nhìn startup rõ hơn trước khi quyết định xuống tiền.
Một câu hỏi tiếp theo đặt ra là, vì sao ở giai đoạn thị trường trầm lắng, các Big Tech lại tích cực rót tiền vào startup? Câu trả lời là khẩu vị đầu tư của các tập đoàn sẽ khác các quỹ đầu tư.
Nhiều quỹ đầu tư rót vốn vào startup giống như đầu tư cổ phiếu, tức chỉ đầu tư tài chính đơn thuần và hướng đến lợi nhuận khi công ty phát triển. Một số quỹ khác có những hoạt động hỗ trợ startup về tài chính, định hướng chiến lược, nhưng đâu đó vẫn bị giới hạn nguồn lực trong hệ sinh thái.
Trong khi đó, các Big Tech xem việc đầu tư startup giống như cánh tay nối dài trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Vì vậy họ sẽ lựa chọn các startup đang sở hữu công nghệ, dịch vụ, sản phẩm mà họ cần nhưng đang thiếu. Ngược lại, các startup khi kết hợp với tập đoàn cũng có thêm bệ đỡ quan trọng không chỉ về vốn, mà cả hệ sinh thái gồm nhân lực, công nghệ, thị trường, thương hiệu…
Có thể nói, xu hướng các tập đoàn đầu tư vào startup ngày càng nở rộ sẽ là động lực thúc đẩy thị trường đầu tư mạo hiểm. Bởi mối quan hệ này giúp hai bên phát huy tốt hơn các thế mạnh của mình cũng như tận dụng nhiều hơn nguồn lực của nhau để cùng phát triển.