Chuyên gia cho biết thị trường blockchian và tiền mã hóa sẽ ngày càng phát triển và sẽ được gỡ những hiểu lầm trong quá khứ.
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết trong năm 2024, blockchain và thị trường tiền mã hóa sẽ có bộ mặt mới khi chúng ngày càng chứng minh giá trị mang lại cho các nền kinh tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Sự phát triển này đang được thúc đẩy bởi những xu hướng dưới đây:
Bitcoin
Tháng 1/2024, Ủy ban Chứng khoán Mỹ chấp nhận cho Bitcoin ETF niêm yết. Có 11 quỹ đầu tư tham gia, trong đó có nhiều quỹ nổi tiếng như BlackRock, Fidelity có tổng tài sản quản lý lần lượt là 10.000 tỷ USD và 5.000 tỷ USD. Những quỹ này chưa vào thị trường Việt Nam. Cùng các quỹ nhỏ hơn như Franklin Templeton… hay những quỹ mới nổi như Grayscale…
Tổng giao dịch Bitcoin ETF lên tới 9,9 tỷ USD mỗi ngày và lũy kế giao dịch liên tục đạt đến 230 tỷ USD.
So sánh cho thấy, tổng quỹ vàng ETF từ ngày đầu tiên thành lập trên thị trường chứng khoán đến nay mới đạt 92 tỷ USD; tong khi đó tổng quỹ Bitcoin đã đạt 43 tỷ USD khi hoạt động chưa đầy một quý. Đặc biệt, ngày 22/4, sự kiện Bitcoin Halving diễn ra, giúp tính bảo mật ngày càng tăng cao.
“Sắp tới chúng tôi sẽ đưa về Việt Nam những nhà cung cấp Bitcoin sạch lớn nhất để mọi người cảm nhận thực chất Bitcoin không phải là những gì xấu, đó là những người tham gia bảo vệ mạng lưới bảo mật. Chúng ta nghe nói Bitcoin là tài sản không tốt, có thể chết, tuy nhiên độ khó và bảo mật ngày càng tăng”, ông Trung nhấn mạnh.
Token hóa tài sản thực
Hay còn gọi là xu hướng Tokenize, cho phép mọi người mang tất cả các loại tài sản lên mạng lưới giao dịch xuyên biên giới. Bắt đầu từ việc mang các đồng tiền Stable coin, cho đến nay, thị trường xuất hiện nhiều tài sản khác như trái phiếu chính phủ, bất động sản, hàng hóa.
Sự phổ biến của đồng Stablecoin đã đưa tài sản của Tether trị giá 40 tỷ USD, dù chỉ được vận hành bởi 50 người. Các công ty khác cũng đang vận hành với tài sản nhỏ hơn 10-20 tỷ USD.
BCG dự báo có 16.000 tỷ USD tài sản truyền thống sẽ được mã hóa vào năm 2030, chiếm 10% GDP toàn cầu, con số hiện nay là 1,5% GDP toàn cầu.
“Đây là một con số rất ấn tượng. Thử tưởng tượng GDP Việt Nam đến lúc đó nếu không có cơ chế quản lý thì liệu có thể đón nhận 10% GDP kinh tế ngầm là token”, ông Trung nhấn mạnh.
Lãnh đạo Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết mọi người không nên nhìn xu hướng Tokenize quá phức tạp. Giống như các thập kỷ trước là các chứng khoán được các quỹ đầu tư, thập kỷ 90 gọi là các quỹ ETF nhưng đến 2010 gọi là xu hướng Tokenize.
“Như câu chuyện cổ phiếu năm 2000, lúc ấy mọi người không hình dung nổi cổ phiếu là gì, tại sao có cổ phiếu của các công ty niêm yết và vì sao nó trị giá hơn đất”, ông Trung so sánh.
Xu hướng tài chính phi tập trung
Là xu hướng bị ngành tài chính truyền thống chống lại rất mạnh nhưng DeFi tiếp tục phát triển với các sản phẩm phức tạp, tập trung vào quản lý rủi ro và tính bền vững.
Xu hướng này đang lan sang các xu hướng khác như DePIN (cơ sở hạ tầng phi tập trung): cung cấp các dịch vụ thay thế cho các công ty công nghệ lớn, với khả năng mở rộng và độ tin cậy cao hơn.
DeSo (mạng xã hội phi tập trung): các nền tảng ứng dụng blockchain cho phép người sáng tạo nội dung kiếm tiền công bằng hơn.
DeSci (khoa học phi tập trung): sử dụng công nghệ blockchain để cách mạng hóa việc tài trợ nghiên cứu trong các lĩnh vực.
Xu hướng metaverse kết hợp AI
Sự kết hợp của 2 công nghệ trên đã tái định nghĩa khái niệm metaverse (vũ trụ ảo) bằng sự quay trở lại của cổ phiếu Facebook khi giá trị công ty tăng gấp đôi trong năm qua và gần như gấp 3 trong 2 năm.
“Khi Facebook quyết định thế giới ảo là đeo kính vào thì nó đã quyết định cuộc chơi mới. Hiện Facebook đang làm chủ khái niệm metaverse và họ đang tiến hành nhìn nhận lại. Trên thế giới, The Sandbox là công ty dẫn đầu thế giới ảo với trị giá 1,4 tỷ USD, họ bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam”, ông Trung cho hay.
Các quốc gia thúc đẩy tài sản mã hóa
Theo khảo sát của Atlantic Council với 60 quốc gia, có 32 quốc gia coi tài sản ảo là hợp pháp, 19 quốc gia cấm một phần và 8 quốc gia cấm hoàn toàn. Trong 32 quốc gia công nhận tài sản ảo, có 10 quốc gia nằm trong khối G20, chiếm 50% GDP toàn cầu.
Rất nhiều người hiểu nhầm rằng Trung Quốc cũng cấm toàn bộ hoạt động ứng dụng blockchain trong tài sản ảo, nhưng không phải. Trung Quốc có mạng Blockchain service network của Chính phủ, họ quyết định tất cả các tài sản thuộc blockchain sẽ được thực hiện và quản lý trên mạng này. Còn tài sản ảo công cộng trên toàn cầu sẽ được hoạt động tại Hồng Kông.
Việt Nam có 18 văn bản được ban hành từ năm 2017-2024 liên quan đến blockchain. Trong đó quan trọng là Chiến lược Blockchain quốc gia được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Các văn bản hiện thực hóa quyết định 194 về tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo được hoàn thiện trước tháng 5/2025.
Ông Trung cho biết khi các nước dần hoàn thiện chính sách, khung khổ pháp lý cho blokchain và tiền mã hóa là động lực lớn thúc đẩy thị trường và tạo nền tảng cho các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo phát triển.