Gọi vốn khởi nghiệp ngày càng khó khăn khi các nhà đầu tư yêu cầu cao hơn ở startup, không chỉ sản phẩm, bức tranh tài chính mà cả ở chính các founder.
Tiền vẫn chưa thể chảy ra
Báo cáo của PwC cho thấy, tính đến tháng 9 năm nay, tổng vốn đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân đã giảm 50,2%, xuống còn 638 tỷ USD, so với một năm trước.
KPMG cho biết, đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong quý 3 năm nay ở mức thấp nhất kể từ quý 3/2016, trong khi số lượng giao dịch ở mức thấp nhất kể từ quý 2/2019.
“Trước đây, ở vòng seed, một doanh nghiệp trung bình có thể gọi được vài triệu USD thì giờ đây họ cắt giảm con số đó xuống. Định giá doanh nghiệp cũng giảm xuống, thời gian họ quan sát, tiến hành Due diligence (thẩm định) cũng giãn ra gấp 2-3 lần”, , ông Jack Nguyễn, Giám đốc Quỹ đầu tư BLOCKBASE Việt Nam, chuyên rót vốn vào các công nghệ mới như blockchai, AI…, cho biết.
Vị này cũng thông tin, hiện cộng đồng nhà đầu toàn cầu vẫn cho rằng 2024 là năm bản lề, tức chưa có quá nhiều cải thiện trong vấn đề dòng vốn. Tiền vẫn chưa thể đi ra được nếu các vấn đề vĩ mô lớn chưa ổn định. Chu kì đầu tư khởi nghiệp có thể sẽ trở lại từ năm 2025 trở đi, khi chính sách vĩ mô có tính ổn định cao hơn.
Có một điểm sáng là dòng tiền dự trữ của các quỹ đầu tư trên thế giới vẫn còn rất nhiều. Ông Jack cho biết còn khoảng vài trăm tỷ USD trên toàn cầu chờ đợi trên thị trường đầu tư mạo hiểm, vấn đề là doanh nghiệp nào lấy được tiền đó ra thì phải chứng minh được nội lực tốt.
Startup có doanh thu vẫn khó gọi vốn
Ông Huỳnh Công Thắng, Đồng sáng lập & CEO của InnoLab Asia (đối tác triển khai của Open Innovation Vietnam – Sáng kiến từ Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong lĩnh vực Đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam và Đông Nam Á), cho biết trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn thì việc gọi vốn của startup chắc chắn không còn dễ dàng như trước. Ngay cả hiện nay, startup có doanh thu nhưng chưa tạo ra được lợi nhuận vẫn khó gọi vốn.
“Giống như đi vay ngân hàng, nếu vay và trả lãi đúng hạn thì chỉ số tín dụng cao. Tương tự như đi gọi vốn, nếu startup trước đó chưa từng được đầu tư thì đội ngũ của startup phải thực sự mạnh, có kinh nghiệm và là chuyên gia của ngành đó.
Vì vậy, ở giai đoạn này, nếu startup nếu không có một liên minh những mentor có thể hỗ trợ, không nằm trong quỹ tăng tốc nào đó hay trước đó không có nhà đầu tư thiên thần và họ đủ uy tín để tiếp tục “rao bán” startup, mà startup tự đi gọi vốn thì rất khó”, ông Thắng nhận định.
Dòng vốn với startup trong năm tới vẫn khó khăn. Ông Jack Nguyễn cho biết các nhà đầu tư đòi hỏi tiêu chí ngày càng khắt khe ở các doanh nghiệp. Nếu trước đây, founder chỉ cầm 1 tờ giấy là có thể gọi được tiền nhưng giờ điều đó không còn thoả đáng. Họ cần bạn phải có sản phẩm cụ thể, chứng minh doanh thu, khách hàng để thấy rằng startup đi được vào ngách nào đó của thị trường
Vị này khuyến nghị nhiệm vụ đầu tiên của startup và doanh nghiệp nói chung ở thời điểm này là tồn tại, quay trở lại củng cố nội lực, củng cố năng lực cốt lõi để sống qua thời điểm này, chưa nên tính đến chuyện tăng trưởng.
“Doanh nhân chưa có kinh nghiệm khởi nghiệp thì khả năng gọi vốn cực kì khó vì họ chưa chứng minh được điều gì hết. Doanh nhân gọi vốn thành công thường đã có kinh nghiệm làm việc tại các doanh nghiệp, đã có thành tựu gì đó”, ông Jack Nguyễn nói.
Giám đốc Quỹ đầu tư BLOCKBASE cũng cho biết hiện các quỹ vẫn rất cởi mở với startup. Một khuyến nghị rất quan trọng dành cho startup là không nên “đánh bừa”, không phải quỹ nào cũng gửi hồ sơ mà phải có sự nghiên cứu kĩ. Cũng giống như đi bán cổ phần, quỹ là người mua hàng, họ đi mua cổ phần của startup thì startup phải hiểu khẩu vị của quỹ. Hầu hết các quỹ đầu tư đều công bố công khai tiêu chí đầu tư của họ. Việc đầu tiên là startup hãy đọc trang website của quỹ.
“Các startup hiện nay có thể gửi hồ sơ online đến các quỹ. Quỹ sẽ có lộ trình thời gian phản hồi. Các quỹ hiện nay cũng đổi mới cách làm việc để kéo sự tiếp cận startup gần hơn, thay vì startup lúc nào cũng phải dựa vào quan hệ của 1-2 người”, ông Jack Nguyễn nói.