6 năm qua, Shopee luôn duy trì vị trí số 1 các sàn thương mại điện tử Việt Nam lớn nhất Việt Nam. Nhưng ngôi vương này ngày một bị đe dọa bởi tân binh là TikTok Shop.
Nhìn từ báo cáo doanh thu các sàn thương mại điện tử của quý 1/2024 của YouNet ECI thấy rõ sự căng thẳng trong cuộc chiến thị phần của 4 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam là Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki.
Shopee vẫn tiếp tục dẫn đầu với 53.740 tỷ đồng, chiếm 67,9% thị phần. Xếp thứ hai là TikTok Shop với 18.360 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Lazada và Tiki lần lượt mang về 6.030 tỷ đồng (chiếm 7,6% thị phần) và 997 tỷ đồng (chiếm 1,3%).
Đáng chú ý, TikTok Shop là nền tảng duy nhất ghi nhận sự tăng trưởng trong khối lượng giao dịch hàng hóa, thậm chí mở rộng thêm 6,3% thị phần so với trước đó.
Phía lo ngại cho rằng TikTok Shop là thế lực mới, sẽ đe dọa vị trí dẫn đầu của Shopee. Bởi nền tảng này nhanh chóng soán ngôi vị thứ 2 của Lazada kể từ quý 3 năm ngoái, chỉ sau chưa đầy 1 năm bước vào cuộc chơi này.
Phía lạc quan cho rằng thị phần của TikTokShop hiện mới chỉ bằng 1/3 của Shopee. Trong khi đó, Shopee đã bắt đầu giảm lỗ và ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng phi mã trong những năm gần đây. Vì vậy phía này cho rằng TikTok Shop là đối thủ đáng gờm nhưng chưa thể vượt mặt Shopee trong thời gian ngắn.
2 quan điểm trên thực tế đều có cơ sở. Cùng nhìn lại thời gian và phương thức hoạt động của 2 nền tảng này để so sánh. Shopee chính thức hoạt động ở Việt Nam vào tháng 8/2016, như vậy đến nay đã có tuổi đời gần 8 năm. Với gần 68% thị phần hiện có, trung bình mỗi năm hoạt động, nền tảng chiếm được 8,5% thị phần.
TikTok Shop chính thức ra mắt tháng 11/2021, đến nay đã nền tảng đã có hơn 2 năm hoạt động. Với hơn 23% thị phần hiện có, trung bình mỗi năm, nền tảng này chiếm được 11,5% thị phần.
So sánh này để thấy TikTok Shop đang có tốc độ chiếm “miếng bánh” thị phần nhanh hơn Shopee. Và với phong độ duy trì ổn định, sẽ rất nhanh thôi khoảng cách giữa 2 nền tảng này cũng sẽ được thu hẹp.
Nhưng, nếu chỉ nhìn vào tốc độ chiếm lĩnh thị phần là chưa đủ. Bởi chiếm được thị phần, duy trì và mở rộng thị phần phụ thuộc rất lớn vào chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh của từng sàn. Đó là lý do Lazada, Tiki cũng từng ngồi vào vị trí sàn thương mại điện tử lớn thứ 2 Việt Nam, nhưng cũng bị đối thủ vượt mặt.
Ông Lê Thanh Tín, chuyên gia có 10 năm kinh nghiệm trong ngành thương mại điện tử, từng là Giám đốc Marketing tại Vincommerce, Lazada, Shopee Việt Nam, cho biết bên cạnh các công cụ nội sàn, các sàn thương mại điện tử hiện nay cũng dành nguồn đầu tư rất lớn cho các công cụ ngoại sàn.
Họ chạy xuyên suốt trên cả nền tảng trực tuyến và ngoại tuyến, như chạy các TVC, iTVC trên internet hay các kênh truyền hình và các đầu báo, phủ quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok… hay quảng cáo trên các bảng hiệu lớn tại các tuyến giao thông đông đúc.
“Hầu như tháng nào họ cũng phủ đều đặn như vậy”, ông Tín cho biết.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hồng Quân, Trưởng Bộ môn Thương mại điện tử, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương, thương mại điện tử đang ở giai đoạn phát triển thứ 4 gắn liền với công nghệ 4.0. Vì vậy, các sàn thương mại điện tử cũng chạy đua ứng dụng các công nghệ mới như AI, BigData, VR, AR, Blockchain, iCloud để triển khai các hoạt động thương mại điện tử, nhằm giúp các nhà bán hàng kết nối mạnh mẽ hơn với khách hàng, người tiêu dùng có trải nghiệm tốt hơn.
Cuộc chạy đua với công nghệ giúp các sàn thương mại điện tử cạnh tranh với các đối thủ, nhanh chóng tạo khoảng cách nhưng nó cũng tiêu tốn rất nhiều nguồn lực. Nhưng đây lại là xu hướng các sàn không thể không chạy theo vì nhu cầu người tiêu dùng và nhà bán hàng đã thay đổi. Điều quan trọng các sàn phải có mô hình và kế hoạch kinh doanh phù hợp để “lấy mỡ nó rán nó”.
TikTok Shop hiện vẫn kiên trì với mô hình shoppertainment (mua sắm giải trí) kết hợp chiến lược đào tạo nhà bán hàng trở thành những người sáng tạo nội dung. Thế mạnh của sàn này là hệ sinh thái 68 triệu người dùng từ mạng xã hội TikTok ở Việt Nam. Số lượng người dùng mạng xã hội này cũng là khách hàng tiềm năng. Họ có thể chuyển đổi nhu cầu từ giải trí sang mua sắm bất cứ lúc nào, nếu họ ấn tượng bởi nội dung mà nhà bán hàng, KOL, người dùng khác truyền tải.
Còn Shopee mặc dù không còn tự tin “Rẻ vô địch” như giai đoạn trước nhưng vẫn là sàn thương mại điện tử sở hữu số lượng nhà bán hàng lớn nhất (201.000 nhà bán hàng) so với con số 95.000 nhà bán hàng của TikTok Shop, tính tới hết năm 2023, theo YouNet ECI. Chủng loại, mẫu mã và giá cả hàng hóa trên Shopee được đánh giá là đa dạng hơn các sàn thương mại điện tử khác, giúp khách hàng có nhiều lựa chọn và cơ hội so sánh giá cả giữa các nhà bán dễ dàng hơn.
Khách hàng luôn muốn mua được hàng giá rẻ, nhiều khuyến mãi, chất lượng đảm bảo, giao hàng nhanh và hậu mãi tốt. Vì vậy dù mỗi sàn có thế mạnh riêng, có hướng đi riêng nhưng mục tiêu chung vẫn phải đáp ứng tốt các yêu cầu trên của khách hàng thì mới mong lấy thêm được thị phần.