Mặc dù xảy ra đã gần một tuần lễ, nhưng câu chuyện về những người bất chấp nguy hiểm, cùng hợp sức cứu người trong vụ tai nạn xe bốc cháy trên cầu Phú Mỹ (TP Thủ Đức, TP.HCM) vẫn còn nguyên cảm xúc. Họ là những con người làm nên câu chuyện đẹp giữa đời thường.
Khoảng 14h50 ngày 8/8, tài xế Trịnh Tiến Dũng (SN 1988) lái xe tải chở thức ăn cho tôm trên đường từ Kiên Giang đi Khánh Hòa. Đến giữa cầu Phú Mỹ, ông Dũng phát hiện xe bị vỡ bơm hơi phanh, dẫn đến mất thắng khiến phương tiện lao nhanh về phía trước với tốc độ 70km/h.
Vụ tai nạn liên hoàn khiến 6 xe khác bị liên lụy. Khi đó, chiếc Volvo XC90 bị kẹp giữa xe tải và một ô tô khác do lực va chạm cực khủng. Chỗ những chiếc xe bị dồn lại bắt đầu có lửa, sau đó là một đám cháy dữ dội bùng phát. Trong số đám đông hỗn loạn, xuất hiện 2 người đàn ông trung niên và 2 chàng trai trẻ lao vào hiện trường tìm các nạn nhân mắc kẹt để giải cứu.
Sự phối hợp nhịp nhàng của họ đã cứu nam tài xế kẹt trong chiếc Volvo XC90 thoát khỏi tay tử thần một cách diệu kỳ ở những giây phút cuối cùng trước khi ngọn lửa bùng lên và trùm xuống chiếc xe. Cái khoảnh khắc hai bàn tay họ chạm nhau là hình ảnh làm gục ngã bất kỳ trái tim nào được cho là “chai sạn” nhất.
Thật ra, với người Việt, chuyện xã thân không ngại nguy hiểm cứu người gặp nạn xảy ra đã nhiều không phải là chuyện hy hữu. Nhưng bất cứ khi nào diễn ra sự việc tương tự, câu chuyện cũng gây cho chúng ta rất nhiều cảm xúc xen lẫn tự hào. Bởi nó khẳng định và tô đậm thêm tính cách điển hình của con người Việt Nam: tính nghĩa hiệp.
Tinh thần nghĩa hiệp là một phẩm chất hình thành từ rất lâu đời của người Việt trong quá trình khai phá dựng nước và giữ nước mà Lục Vân Tiên là nhân vật điển hình được Danh nhân Văn hóa Nguyễn Đình Chiểu xây dựng trong tác phẩm nổi tiếng cùng tên vào vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19.
Là một sĩ tử trên đường lai kinh ứng thí, ngang qua Sơn Đài gặp cướp Lục Vân Tiên đã không đắn đo, suy tính, nghĩ ngợi “bẻ cây làm gậy” xông vào đánh bọn cướp Phong Lai để cứu người dân mắc nạn. Sau khi xong việc, chàng trai từ chối trả ơn vì cho đó là việc ai cũng phải làm rồi thong thả bước đi.
Chi tiết này rất trùng hợp với hành động của anh Mai Lê Duy Quang khi lao vào cứu tài xế Trịnh Tiến Dũng, cũng như các anh em cứu người mắc nạn trong vụ tai nạn liên hoàn dưới chân cầu Phú Mỹ. Họ bất chấp hiểm nguy lao vào đám cháy và sau đó ra về không để lại tên tuổi. Nhờ thời đại công nghệ tiên tiến, việc tìm ra các anh không khó. Chỉ sau một ngày, Công an phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức) cùng Phòng CSGT (PC08), Công an TP.HCM phát thông báo “tìm người”, danh tính của các “người hùng” đã được xác định.
Tinh thần “Kiến ngãi bất vi vô dõng giả/Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” (Tạm dịch: Thấy việc nghĩa mà không làm/Thấy nguy mà không cứu thì không đáng mặt anh hùng) là truyền thống quý báu của người Việt vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay.
Cho dù cuộc sống có hiện đại đến đâu, cho dù công nghệ AI đã và “đe dọa” sẽ thay thế con người trên nhiều lĩnh vực thì lòng dũng cảm, nghĩa khí hào hiệp, tư chất anh hùng của người Việt Nam là mãi mãi không thể mất đi. Lòng tốt vẫn hiện diện quanh ta.
Các cá nhân tham gia cứu nạn trong vụ tai nạn liên hoàn dưới chân cầu Phú Mỹ ngày 8/8 gồm: Ông Mai Lê Duy Quang (SN 1980, quê Quảng Ngãi) – người trực tiếp cứu tài xế, anh Trương Văn Thành (28 tuổi, quê Quảng Bình), anh Vũ Thanh Tùng (27 tuổi, quê Gia Lai) và ông Nguyễn Hoàng Trường (SN 1983, ngụ TP Thủ Đức).