Thời gian qua, lãi suất đã hạ đáy quá thấp, khiến dòng tiền rời bỏ ngân hàng, nguy cơ tạo bong bóng tài sản, gây hại cho nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, đà tăng lãi suất ở 2 thị trường từ đầu quý II/2024 đến nay là hợp lý để nâng cao cạnh trạnh của các kênh đầu tư.
Ồ ạt tăng nóng lãi suất ở cả hai thị trường
Trong báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) cho biết, trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sử dụng linh hoạt cả hai kênh OMO và phát hành tín phiếu nhằm giúp ổn định thanh khoản hệ thống. Ghi nhận lượng tiền được bơm qua kênh OMO tháng này đã tăng gấp 4 lần so với tháng trước. Tính đến ngày 25/7, giá trị tiền ròng vào hệ thống ước đạt 392.500 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4,5%, trong đó bao gồm 236,1 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Cùng với đó, trong tháng 7, NHNN cũng duy trì phát hành tín phiếu với tổng giá trị khoảng 148.100 tỷ đồng với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 4,5%. MBS ước tính khoảng 33.600 tỷ đồng tín phiếu sẽ tiếp tục đáo hạn trong tháng 8.
Mặc những nỗ lực can thiệp của NHNN, lãi suất qua đêm vẫn neo cao ở mức 4,7%, trong khi lãi suất các kỳ hạn từ 1 tuần đến 1 tháng dao động từ 4,7% – 4,8% vào cuối tháng 7.
Cụ thể, lãi suất thị trường liên ngân hàng duy trì trên ngưỡng 4% ở tất cả các kỳ hạn trong tháng. Vào ngày 9/7, lãi suất qua đêm bật tăng lên 4,9% – mức cao nhất kể từ cuối tháng 5 phát tín hiệu về thiếu hụt thanh khoản hệ thống sau những động thái hút ròng mạnh mẽ của NHNN trong 2 tháng vừa qua. Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 30/6 đã đạt 6% cũng là 1 yếu tố tác động đến đà tăng của lãi suất liên ngân hàng.
Trên thị trường 1, tính đến hết tháng 7, tổng cộng đã có 19 ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1% – 0,7%, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng đã lên tới 5,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng chạm 6% và kỳ hạn 18 tháng lên tới 6,1%, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn.
“Chúng tôi cho rằng lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ 50 điểm cơ bản trong nửa sau năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2%-5,5% vào cuối năm 2024”, chuyên gia phân tích của MBS nhận định.
Nhóm phân tích cho rằng lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2024 do cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
“Chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 điểm %, quay về mức 5,2-5,5%/năm vào cuối năm 2024”, MBS nhận định.
Nâng cao tính cạnh tranh của các kênh đầu tư
Dù “sóng” lãi suất tăng đáng kể từ đầu quý II/2024 đến nay, song vẫn đang thấp hơn giai đoạn trước Covid-19. Các chuyên gia cho rằng, mức tăng lãi suất như hiện tại là hợp lý để tìm lại điểm cân bằng cho các kênh đầu tư. Thời gian qua, lãi suất đã bị “ép” hạ quá thấp, khiến dòng tiền rời bỏ ngân hàng, nguy cơ tạo bong bóng tài sản, gây hại cho nền kinh tế.
Phân tích cụ thể, TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, lãi suất tiết kiệm ở mức thấp trong khi các tài sản đầu tư khác tăng giá khá mạnh, đặc biệt là vàng, khiến kênh huy động tiền gửi của ngân hàng sụt giảm, trong gần 6 tháng chỉ đạt mức tăng trưởng 1,5%, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 6%, gây mất cân đối dòng tiền vào ra của ngân hàng. Trong khi đó, để ổn định tỷ giá USD/VND, NHNN đã sử dụng các công cụ, trong đó có bán ra khoảng 6 tỷ USD dự trữ ngoại hối, hút về khoảng 150 nghìn tỷ đồng.
“Do đó, xu hướng lãi suất tiền đồng bật tăng trở lại trong thời gian gần đây phù hợp với diễn biến trên thị trường tiền tệ và có phần tích cực, giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá, cân bằng sức hút với các kênh đầu tư khác. Mặt khác, dù có nhiều đợt tăng, song mức tăng lãi suất huy động trong thời gian qua cũng không quá lớn”, ông Huân cho hay.
Đồng thời dự báo, nếu Fed giảm lãi suất vào cuối năm nay thì đến đầu năm sau mới bắt đầu tác động đến thị trường Việt Nam. Do đó, lãi suất huy động VND có thể còn tăng thuận theo xu hướng thị trường. Lãi suất cho vay có thể tăng, nhưng mức tăng sẽ thấp hơn đà tăng của lãi suất huy động. Lý do là tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu tăng trở lại nhưng nguồn cung tín dụng của các ngân hàng còn nhiều trước mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 15% trong cả năm nay.
Dù thanh khoản hệ thống đã “căng” hơn giai đoạn trước, song nhìn chung vẫn không phải là vấn đề đáng lo ngại. PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, nhà điều hành không để xảy ra cú sốc thanh khoản. Hệ thống ngân hàng sẵn sàng cấp vốn cho doanh nghiệp và người dân, miễn là doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn.
“Việc lãi suất huy động đi lên không đồng nghĩa với khả năng NHNN có thể phải tăng lãi suất điều hành. Có một số yếu tố có thể hỗ trợ cho chính sách giữ ổn định. Đơn cử như trần lãi suất tiền gửi, hiện vẫn có đến 25/35 ngân hàng niêm yết lãi suất kỳ hạn một tháng từ 3%/năm trở xuống. Trong trường hợp lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng có tăng mạnh thêm 1 điểm phần trăm trong nửa cuối năm nay, khung lãi suất niêm yết của hầu hết ngân hàng vẫn chưa chạm mức trần 4,5%/năm theo quy định hiện hành”, ông Thế Anh lý giải.