Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT tin rằng, chỉ cần 5 năm nữa, khi nguồn nhân lực bán dẫn dồi dào hơn, được đào tạo bài bản hơn thì Việt Nam sẽ là nơi mà thế giới phải nhắc tới khi nói về chip bán dẫn.
Tại Công ty VIETA Solutions Việt Nam (ETA Semiconductor), nhân viên thiết kế chip có 1 năm kinh nghiệm được trả tới 10.000 USD/năm, chưa bao gồm các khoản thưởng. Ông Lê Thành Nam, Giám đốc công ty này cho biết dù dải lương ở Việt Nam còn thấp so với các nước khác, nhưng con số 10.000 USD/năm với sinh viên mới ra trường là cao hơn so với mặt bằng chung.
Khảo sát của TreSemi, tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ, cho thấy lương cho nhân sự thiết kế vi mạch ở Việt Nam từ 10.000 – 100.000 USD/năm, chưa bao gồm thưởng và các khoản khác.
Cụ thể, người có 1 – 3 năm kinh nghiệm được trả từ10.000 – 15.000 USD/năm. Từ 4 – 6 năm kinh nghiệm được trả từ 16.000 – 25.000 USD/năm. Với nhân sự trên 16 năm kinh nghiệm, thu nhập có thể lên tới 85.000 – 105.000 USD/năm với kinh nghiệm trên 16 năm.
Mặc dù mức thu nhập này chỉ bằng 1/3 so với mức lương tại Mỹ với cùng vị trí. Tuy vậy, mức lương của kĩ sư ngành chip Việt Nam này vẫn còn tiềm năng tăng thêm.
Ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng Giám đốc Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam, cho biết có khoảng 40 công ty thiết kế chip đang hoạt động ở Việt Nam, phần lớn là công ty nước ngoài. Tuy vậy, trong các công ty này, lực lượng nhân sự người Việt chiếm tỷ lệ khá đông, có những công ty từ Tổng Giám đốc tới nhân viên đều là người Việt.
Điều này cho thấy dù vẫn mang mác đi làm thuê nhưng nhân lực Việt Nam chứng minh có đủ trình độ, kĩ năng tham gia vào những công việc của ngành bán dẫn. Đặc biệt, khi mức lương trong ngành cao hơn mặt bằng chung là động lực thu hút tài năng trẻ tham gia vào ngành. Đây là động lực để ngành bán dẫn Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
“Nhân sự ngành bán dẫn đang thiếu hụt trên toàn thế giới. Vì vậy nhiều doanh nghiệp đa quốc gia có nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ Việt Nam vì mức lương cạnh tranh, nền tảng tốt. Nếu Việt Nam đi đầu trong đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng sẽ tạo thành “mỏ neo” thu hút và giữ dòng vốn FDI ở lại Việt Nam”, ông Yên nói.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn năm 2030, định hướng đến năm 2045 với mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư. Cuối tháng 3 vừa qua, Dự thảo Đề án đã được trình Chính phủ xem xét, ban hành. Đây được coi là bước chuẩn bị quan trọng, tạo nền tảng cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Lấy ví dụ từ trường hợp của FPT, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn cũng tương tự như câu chuyện ngành phần mềm trước đây. Cách đây 25 năm trước, mục tiêu xuất khẩu phần mềm của FPT bị nhiều người nói là “hoang tưởng”, “sao người Việt có thể làm được”. Nhưng hiện nay, Tập đoàn đã thu về 1 tỷ USD/năm từ xuất khẩu phần mềm, ghi tên mình vào danh sách các doanh nghiệp phần mềm lớn trên toàn cầu.
Thành công này của FPT được gây dựng từ sự nỗ lực của các tài năng Việt Nam. Vì vậy, ông Tiến tin rằng chỉ cần 5 năm nữa, khi nguồn nhân lực bán dẫn dồi dào hơn, được đào tạo bài bản hơn thì Việt Nam sẽ là nơi mà thế giới phải nhắc tới khi nói về chip bán dẫn.
“FPT cần tới 25 năm để đạt mốc doanh thu 1 tỷ USD nhưng tôi tin các bạn trẻ hiện nay chỉ cần 5 năm, đến 2030, khi nhắc tới ngành bán dẫn, người ta sẽ phải nhắc tới Việt Nam”, ông Tiến khẳng định.
Tuy vậy, ông Harsh Bharwani, CEO Jetking Infotrain Limited, đơn vị đào tạo công nghệ thông tin lớn tại Ấn Độ cho biết người trẻ Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức khi muốn theo đuổi ngành này. Cụ thể, các sinh viên Việt Nam cần nâng cao năng lực ngoại ngữ, phải thường xuyên cập nhật xu hướng mới trong ngành, đặc biệt chú trọng kĩ năng thực hành bên cạnh lý thuyết.
Ông Lê Thành Nam cũng cho biết hiện cộng đồng vi mạch tại Việt Nam có số lượng khoảng 5.000 nhân sự, có những chuyên gia tới 20 năm kinh nghiệm, đây là bệ đỡ rất lớn cho thế hệ trẻ muốn tham gia vào ngành. Nhưng đây là ngành mới, khó, nhiều thử thách, “ít nhất sau 10 năm mới thu được thành quả”, vì vậy nhân sự tham gia vào ngành cần rất kiên trì và nỗ lực.