Các công ty công nghệ đang chi mạnh để đầu tư cho AI nhằm chiếm lợi thế tiên phong. Nhưng công cụ trí tuệ nhân tạo nào sẽ chiếm lĩnh thị trường vẫn còn chờ đáp số.
Từ sau khoản đầu tư 13 tỷ USD của Microsoft vào công ty OpenAI hồi đầu năm 2023, làn sóng săn lùng các startup trí tuệ nhân tạo được thổi bùng. Amazon đã rót 4 tỷ USD vào Anthropic và Perplexity AI. Salesforce dẫn đầu vòng gọi vốn của Hugging Face, với mức định giá 4,5 tỷ USD. Còn Nvidia, hết năm qua, công ty đã kí kết hơn 20 dự án đầu tư vào AI.
Dù các sản phẩm ứng dụng AI còn chưa thực sự rõ hình hài, nhưng chúng đã mang về 5 nghìn tỷ USD cho 7 công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ trong năm qua, gồm Meta, Amazon, Apple, Alphabet, Microsoft, NVIDIA và Tesla – nhờ sự tăng trưởng của các cổ phiếu nhân danh AI.
Cũng nhờ AI mà các công ty khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, dễ dàng huy động hàng tỷ USD với mức định giá hàng triệu, thậm chí tỷ USD giữa “mùa đông” gọi vốn. Nhưng, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo vẫn cần một chặng đường nữa để chứng minh thực lực.
“Các nghiên cứu trong lĩnh vực AI tốn rất nhiều chi phí”, ông Andrew Ng, chuyên gia trí tuệ nhân tạo, Nhà sáng lập và CEO tại Landing AI, cho biết các nhà phát triển công nghệ này sẽ cần duy trì sức bền để chạy đua với các đối thủ. Quan trọng nhất phải biến chúng thành các ứng dụng đại chúng.
“Khi nói về các dịch vụ liên quan với hàng triệu người dùng sử dụng với mô hình AI khác nhau làm sao để cho mọi người hiểu được ứng dụng AI với nền kinh tế”, ông Andrew nói.
Các mô hình trí tuệ nhân tạo không chỉ sôi động tại thung lũng công nghệ Silicon, mà còn lan đến thị trường Việt Nam. Các “ông lớn” công nghệ tại đây như FPT, Viettel, Vin AI, VNG… cũng chạy đua để tạo ra sản phẩm AI tạo sinh “Made in Việt Nam”.
Ông Nguyễn Phú An, Quản trị Chiến lược FPT Telecom, cho biết trong quý 3, 4 năm 2024 sẽ có rất nhiều công cụ AI dành cho các doanh nghiệp. Các công ty công nghệ trong đó có FPT đang phát triển các giải pháp để doanh nghiệp có thể ứng dụng AI tạo sinh.
“Đội làm công nghệ, chiến lược, sản phẩm phải ứng dụng AI trong các sản phẩm tạo ra cho khách hàng. Chúng tôi cũng nỗ lực làm sao tạo được ứng dụng AI dễ dùng nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông An nhấn mạnh.
Ông Cao Xuân Hoài Vương, Giám đốc điều hành Unica (Sàn khoá học online với 2000 khoá học và hơn 500.000 học viên), Founder HocvienAI, cho biết ChatGPT đã trở nên gần gũi hơn và mang tính ứng dụng cao.
Tại doanh nghiệp mình, ông Vương cho biết đã tạo ra 2 sản phẩm về AI, thu hút hơn 3.000 khách hàng sử dụng. Vấn đề quan trọng nhất với các ứng dụng AI là làm sao để các chủ doanh nghiệp, mọi người có thể ứng dụng AI một cách dễ dùng, dễ hiểu, dễ cho ra kết quả.
Vị này cho biết thống kê gần đây cho thấy người dùng ChatGPT giảm dần, trái ngược với xu hướng phát triển nhanh của AI. Bởi thời gian đầu, mọi người tò mò về nó nhưng sau đó họ thấy khó sử dụng vì không biết đặt câu hỏi thế nào. Một kĩ năng mà người dùng đã không được dạy là giao tiếp với AI. Ví dụ muốn nghiên cứu về thị trường, không cần phải gõ những câu lệnh phức tạp mà chỉ gõ về lĩnh vực mình quan tâm, điều đó giúp cho ai cũng có thể sử dụng nó.
“Gần đây chúng tôi có khách hàng từ Nhật Bản là AI Chatbot. Nhân viên chăm sóc khách hàng thông thường chỉ làm việc đến 6g nhưng rất nhiều khách hàng lại online vào thời điểm từ 8g-9g tối. Chúng ta đã mất rất nhiều cơ hội kiếm tiền và AI Chatbot giúp khách hàng được chăm sóc đến 12 giờ đêm. Những ứng dụng như vậy sẽ rất gần gũi, giúp cho doanh nghiệp tạo ra kết quả ngay. Doanh nghiệp chỉ tin AI khi nó giúp họ tiết kiệm được tiền, tạo ra doanh thu ngay lập tức. Còn nếu bảo họ dùng ChatGPT, hỏi đáp một vài câu cho vui và họ thấy cũng không hữu dụng lắm. Đó là điều đáng tiếc khi họ hiểu AI ở mức độ rất cơ bản”, ông Vương nói.
Dù chặng đường để các sản phẩm ứng dụng AI phổ biến trên thị trường không còn dài, khi các gã khổng lồ công nghệ đều muốn rút ngắn cuộc đua với các đối thủ, nhưng có lẽ những sản phẩm thực sự thay đổi cuộc chơi trên thị trường cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bởi ngoài yếu tố công nghệ, kĩ thuật tối ưu để giải quyết bài toán của thị trường, doanh nghiệp, các sản phẩm còn phải thân thiện với người dùng để thực sự hỗ trợ nhân sự giảm thời gian, tăng năng suất làm việc. Chưa kể, các sản phẩm AI liên quan đến việc thu thập, xử lý dữ liệu, đòi hỏi phải tuân thủ và đảm bảo quy định về an toàn dữ liệu của các quốc gia, tổ chức. Do đó, người đưa sản phẩm ra thị trường trước chưa chắc là kẻ giành thế tiên phong, kẻ có thể phục vụ được số đông mới là người thắng.