Sự kết hợp giữa công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ chuỗi khối (blockchain) đang là nhân tố khiến dòng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu dần ấm lên sau “mùa đông” kéo dài.
Sự kết hợp blockchain và AI sẽ bùng nổ
Trong quý đầu tiên của năm 2024, các công ty AI đã huy động được 11,4 tỷ USD, tương đương 17% tổng số tiền tài trợ trên toàn cầu. Đây cũng là lĩnh vực hút vốn lớn thứ hai thế giới trong quý đầu năm, chỉ sau các công ty chăm sóc sức khỏe và công nghệ sinh học (15,7 tỷ USD), theo Crunchbase.
Ông Cris D. Trần, Giám đốc Phát triển The Sandbox (nhà phát triển nền tảng vũ trụ ảo metaverse), cho biết trong năm 2023 và 2024, ngay cả lĩnh vực từng hot như blockchain cũng nhìn thấy khá rõ sự thụt lùi trong thu hút vốn đầu tư so với AI.
“Tôi có cơ hội đi công tác qua Thung lũng Silicon (Mỹ), giai đoạn 6 tháng trở lại đây, khá nhiều quỹ đầu tư của Mỹ chỉ chăm chăm hỏi: ‘Bạn có dự án nào về AI không hay có yếu tố AI không?’. Họ rà soát các dự án AI nhiều nhất có thể. Có thể nói, góc nhìn của các VC (quỹ đầu tư) quốc tế cho AI giống với sự tập trung của họ cho các dự án Game Fi năm 2021”, ông Cris D. Trần nói.
Đó cũng là lý do nhiều startup blockchain hiện nay đã ứng dụng thêm cả công nghệ AI. Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xúc tiến đầu tư Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho biết sự kết hợp của 2 công nghệ này rất đặc biệt. Gần đây, một vài startup ứng dụng 2 công nghệ blockchain và AI đã gọi vốn thành công. Ví dụ io.net (của IO Research) hỗ trợ xử lý đồ họa (GPU) gọi được 30 triệu USD hay một startup khác cũng gọi được 120 triệu USD.
“Phải nói 120 triệu USD ở thời điểm này rất lớn, các quỹ cũng không giải ngân nhiều đến thế vì không nhiều quỹ có nhiều tiền như vậy. Nếu so với thời điểm 2021 thì phải tương đương với 500-600 USD. Điều này để thấy rằng AI là một từ khóa ‘nóng’”, ông Hưng cho biết.
Nhưng, đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng cho biết để kết hợp 2 công nghệ này thì startup cần tìm điểm phù hợp thay vì sự gượng ép để nhằm bán được hàng hay gọi được vốn. Mảng giúp 2 công nghệ giao thoa với nhau là DePIN (Decentralized Physical Infrastructure Networks), hay còn được gọi là mạng lưới cơ sở hạ tầng vật lý phi tập trung, dựa trên công nghệ blockchain và các công nghệ phân phối khác.
Hiểu nôm na rằng để AI hoạt động tốt cần được huấn luyện nhiều lần với dữ liệu lớn. Nhưng những chi phí đào tạo AI rất đắt đỏ, ngay cả những ông lớn như Cloud, Amazon… cũng chưa cung cấp dịch vụ đó. Trong khi có rất nhiều card màn hình không được sử dụng thì họ tạo ra một cái chợ, ai có card màn hình sẽ cắm lên đó và ai cần sử dụng nguồn lực đó để đào tạo thì tham gia.
“Đây là xu hướng lớn để đào tạo AI, tạo hình ảnh cho game. Sự kết hợp giữa blockchain và AI trong 9-12 tháng nữa, chúng ta sẽ nhìn thấy rất nhiều”, ông Hưng nhận định.
Công nghệ tỉ lệ thuận với sự tốn kém
Ngay cả những startup truyền thống cũng đang ứng dụng nhiều hơn công nghệ AI và blockchain. Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital (cung cấp dịch vụ đầu tư quỹ mở), cho biết công ty này hàng ngày hoạt động trên môi trường đại chúng, định danh điện tử EKYC khách hàng, dẫn đến nguy cơ đối diện với nhiều vụ lừa đảo. Công ty buộc phải sử dụng rất nhiều công nghệ, cụ thể là ứng dụng blockchain để ghi dấu toàn bộ hệ thống điểm thưởng khách hàng, ứng dụng AI để phân loại rất nhiều yêu cầu của khách hàng.
Nhưng, ông Tuấn cũng thừa nhận khi ứng dụng công nghệ nhiều hơn đồng nghĩa với chi phí tốn kém hơn. Trước đây, vị CEO không nghĩ doanh nghiệp của mình phải gọi vốn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại với 1 triệu người dùng, công ty phải nghĩ đến việc này.
“Chi phí cho các startup về công nghệ rất lớn. Nếu không có dòng tiền quay lại từ khách hàng thì startup đó sẽ chết rất nhanh chóng. Chúng tôi đang gọi vốn vòng series A. Việc gọi vốn có 2 kiểu: gọi vốn để tung vào các chiến dịch marketing, quảng cáo, hay còn gọi là ‘đốt tiền’ để thu hút khách hàng. Hướng thứ 2 là gọi vốn để phát triển sản phẩm dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn. Chúng tôi đi theo hướng thứ 2 và ngay cả trong vai trò nhà đầu tư, tôi cũng chọn đầu tư vào startup theo hướng này”, ông Tuấn nói.
Ngoài vấn đề về tiền, ông Tuấn cho biết công ty cũng tìm kiếm ở nhà đầu tư 3 yếu tố. Thứ nhất, hệ sinh thái của nhà đầu tư có giúp startup phát triển hay không? Ví dụ công nghệ của AFA Capital đang có rất nhiều người dùng có thể từ công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng… Vì vậy nên ưu tiên các đối tác có hệ sinh thái phù hợp để ứng dụng của công ty có thể triển khai được.
Thứ hai là kinh nghiệm và cùng nhau quản trị. Kinh nghiệm trong một số lĩnh vực rất cần chuyên gia đầu ngành, đặc biệt kinh nghiệm từ quốc tế. Ứng dụng của công ty đã có 1 triệu khách hàng trong 2 năm, tầm nhìn từ 5-10 năm nữa nếu đạt 10 triệu khách hàng sẽ đạt dung lượng tối đa ở Việt Nam, vì vậy rất cần kinh nghiệm từ quốc tế để mở rộng thị trường.
Ngoài ra, vấn đề quản trị hệ thống lớn, quản trị bảo mật vì hiện nay rất nhiều vụ tấn công mạng cũng là nguy cơ lớn cho các startup công nghệ hay ứng dụng công nghệ.
“Startup công nghệ lúc nào cũng cần tiền nhưng không phải là yếu tố duy nhất”, ông Tuấn nói.