Ông Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google, cho biết mô hình ngôn ngữ lớn hiện nay đã có thể chuyển dữ liệu lớn từ văn bản hàng trăm trang, video dài để tạo ra văn bản giúp ích cho người khiếm thính, người không biết chữ có thể xem được nội dung… Điều mà 10 năm trước không ai nghĩ máy tính làm được.
Hội nghị Trí tuệ nhân tạo – GenAI Summit 2024 hôm 18/8 quy tụ những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo từ khắp nơi trên thế giới, cùng bàn giải pháp giúp Việt Nam tiến sâu hơn vào kỷ nguyên AI.
Tham dự Hội nghị, ông Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google, cho biết tham vọng của gã khổng lồ công nghệ là tạo ra một mô hình “tất cả trong một”, có thể giải quyết các thử thách về văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Ông cũng tiết lộ về hạ tầng AI mang tính cách mạng của công ty này mang tên Gemini 1.5 Pro hiện đã xuất sắc trong việc xử lý các ngữ cảnh dữ liệu rộng lớn bao gồm văn bản, âm thanh, hình ảnh và video.
Cụ thể, trước đây, máy tính chỉ có thể mã hóa và chuyển đổi từ văn bản, hình ảnh sang định dạng mà chúng có thể hiểu và diễn tả lại cho người dùng. Nhưng với sự bùng nổ của mô hình ngôn ngữ lớn, máy tính giờ đây đã có thể hiểu yêu cầu của người dùng và chuyển đổi thành hình ảnh, âm thanh. Mức độ lỗi khi chuyển đổi từ giọng nói sang văn bản giảm từ 13,25% xuống còn 2,5%, cho thấy độ chính xác đã tăng lên.
“Tất cả thuật toán sẽ khác với toán đại số tuyến tính bình thường, các mô hình chấp nhận được độ sai số, không phải tính ra phần nhỏ trong chữ số thập phân mà nhân được nhiều con số ngắn với nhau trong mô hình. Tất cả vận hành xoay quay nhiều số khác nhau như nhiều phép tính, điều này đã góp phần xây dựng siêu máy tính”, ông Jeff Dean chia sẻ thêm.
Lấy ví dụ tại Google dịch, vị chuyên gia cho hay, công cụ này giờ đây không chỉ dịch từ mà còn có thể dự báo câu tiếp theo trong các cuộc hội thoại với độ chính xác ngày một cao.
“Mô hình ngôn ngữ lớn giúp con người có thể chuyển dữ liệu lớn từ văn bản hàng trăm trang, video dài để tạo ra văn bản giúp ích cho người khiếm thính, người không biết chữ có thể xem được nội dung…Đây cũng là điều mà 10 năm trước đây không ai nghĩ máy tính sẽ làm được”, Giám đốc Khoa học của Google nói.
Dự báo của Google cho thấy đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỉ đồng (tương đương 74 tỉ USD). Trong đó, có sự đóng góp rất lớn của AI trong các lĩnh vực kinh tế số.
Việt Nam và Singapore là 2 đại diện của Đông Nam Á góp mặt trong Top 30 thế giới về nghiên cứu AI, theo Thundermark Capital.
Tuy nhiên, theo ông Jeff Dean, ở bất cứ nơi nào khi AI ngày càng được sử dụng phổ biến thì việc quản lý và kiểm soát dữ liệu, an ninh thông tin và đạo đức của người dùng cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Trong bối cảnh này, nghiên cứu và hiểu biết về các thuật toán AI trở nên quan trọng để hiểu về cách chúng hoạt động, xác định rủi ro tiềm ẩn và đề xuất các giải pháp. Việc thiết lập quy định và hướng dẫn rõ ràng cho việc sử dụng AI sẽ đóng một vai trò quan trọng trong đảm bảo sự phát triển công nghệ bền vững và có lợi cho cộng đồng toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại Việt Nam, Chính phủ nhận thức rõ tầm quan trọng của AI và đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Bộ đang trình Chính phủ xây dựng “Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050” với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 5.000 nhân sự trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị cần tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư lồng ghép nhiều nội dung phát triển khoa học công nghệ vào chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Cụ thể, Bộ giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với các đối tác, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Ứng dụng AI để phục vụ ươm tạo doanh nghiệp AI, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng AI và đào tạo chuyên sâu về AI. Mục tiêu là đến năm 2030 đào tạo được 7.000 chuyên gia AI theo tiêu chuẩn quốc tế và ươm tạo khoảng 500 công ty khởi nghiệp AI.