Loạt cổ phiếu dệt may tăng bốc đầu, thậm chí thị giá nhiều mã còn chạm đỉnh lịch sử khi nhà đầu tư kỳ vọng về đà tăng trưởng của các doanh nghiệp trước thông tin Bangladesh, thủ phủ may mặc thế giới, đang gặp khó.
Tính đến phiên giao dịch hôm nay, ngày 12/8, nhiều cổ phiếu ngành dệt may vẫn chưa ngừng tăng, dù đà tăng đã bắt đầu được hơn một tháng và thực sự được chú ý hơn trong khoảng hơn một tuần nay trước thông tin từ cuộc bạo loạn ở Bangladesh.
BDG của Công ty cổ phần May mặc Bình Dương chạm đỉnh lịch sử với mức 40.100 đồng/cp sau khi tăng hơn 20% từ đầu tháng 7 đến nay và riêng một tuần qua đã tăng 9%; TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG tăng gần 15% chỉ trong một tuần; MSH của Công ty cổ phần May Sông Hồng tăng gần 12%; VGT của Tập đoàn may Việt Nam tăng trên 11%. Nhiều cổ phiếu ghi nhận đà tăng tốt như HTG của Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ; M10 của Tổng công ty may 10…
Nếu so với thời điểm đầu tháng 7, tính đến phiên hôm nay, chỉ số VN-Index đã mất tới 1,2% thì chỉ số chung toàn ngành vẫn đạt mức tăng gần 1,9%. Điều này cho thấy sự kỳ vọng tích cực mà nhà đầu tư dành cho nhóm cổ phiếu dệt may trong bối cảnh thị trường nằm trong vùng trống thông tin hỗ trợ sau khi kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 đang dần khép lại.
Dệt may Việt Nam được hưởng lợi
Tuần trước, cuộc bạo loạn tại Bangladesh làm nhiều người thiệt mạng khiến chính phủ nước này phải ban bố tình trạng giới nghiêm. Theo đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất và Xuất khẩu May mặc Bangladesh đã yêu cầu các nhà máy nước này phải đóng cửa cho đến khi tình trạng trên được kiểm soát.
Bangladesh hiện đang là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới. Đất nước này nổi trội với chi phí lao động thấp, ưu đãi thuế xuất khẩu vào thị trường châu Âu, dẫn đến có lợi thế về giá thành và trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu dệt may thế giới.
Do đó, tình trạng hiện nay của Bangladesh đang mở ra nhiều thuận lợi cho ngành dệt may trong nước. Các doanh nghiệp dệt may vốn được đánh giá cao bởi các yếu tố như chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, thời gian giao hàng… được cho sẽ được hưởng lợi trong bối cảnh hiện tại đang là mùa cao điểm phục vụ dịp lễ cuối năm.
Theo đánh giá của Agriseco, chuỗi cung ứng ngành dệt may Bangladesh sẽ bị gián đoạn, các doanh nghiệp FDI có đặt cơ sở sản xuất tại đây như H&M, Zara,… khó tránh khỏi tác động và chắc chắn tìm một quốc gia thay thế.
“Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều lợi thế như nguồn nhân công giá rẻ, có tay nghề cao, các chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp FDI, cơ sở hạ tầng cũng đang ngày càng hoàn thiện”, các chuyên gia nhận định. Các cổ phiếu được khuyến nghị bao gồm MSH và TNG.
Trong khi đó, SSI Research cũng cho biết, các doanh nghiệp may mặc trong nước có tỷ trọng đóng góp cao nhất từ thị trường châu Âu và tỷ lệ đơn đặt hàng CMT (đơn hàng gia công) ở mức cao cũng có thể được hưởng lợi. SSI khuyến nghị TNG sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do có tỷ trọng đóng góp cao từ thị trường châu Âu và tỷ lệ đơn đặt hàng CMT cao hơn so với các công ty khác như TCM và MSH.
Ngoài ra, nhu cầu từ thị trường trong nước, cùng sự thay đổi thiết kế mẫu mã của các nhà sản xuất cũng có thể tạo nên triển vọng dài hạn cho các doanh nghiệp.
Những rủi ro có thể gặp phải?
Theo dữ liệu được công bố bởi OTEXA, thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tổng giá trị nhập khẩu hàng may mặc của nước này trong 5 tháng đầu năm nay đã giảm 22% xuống còn 31 tỷ đô la so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc sẵn của Bangladesh sang Hoa Kỳ cũng giảm đáng kể 19% so với cùng kỳ; Trung Quốc và Việt Nam, đối thủ cạnh tranh của Bangladesh – cũng chứng kiến mức giảm tương ứng 30% và 28%.
Những biến động trên cho thấy, dù có nhiều yếu tố hỗ trợ nhưng cũng có không ít rủi ro với biên lợi nhuận các doanh nghiệp dệt may. Đầu tiên cần tính đến là nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Mỹ và EU không được như kỳ vọng.
Ngoài ra, có thể kể đến như rủi ro nhân công khi mức lương tối thiểu tăng lên; rủi ro nguồn nguyên liệu khi nguyên liệu đầu vào phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; chi phí vận chuyển tăng cao hay thời gian vận chuyển kéo dài… Với các doanh nghiệp có dư nợ vay cao còn đứng trước áp lực rủi ro về lãi suất.
Nhà đầu tư cũng cần lưu ý khi nhiều cổ phiếu ngành dệt may đã được định giá mức cao trong lịch sử sau thời gian dài tăng điểm, P/E dao động quanh mức 9x-10x cho năm 2024.