Hiện sắp vào mùa cao điểm, giá vé máy bay nội địa tăng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp du lịch gặp áp lực.
Các doanh nghiệp lữ hành cho biết giá tour năm nay khó giảm, thậm chí còn tăng bởi giá vé máy bay khan hiếm, đắt đỏ cũng là một thách thức lớn trong việc phát triển du lịch nội địa. Từ tháng 3, trần giá vé máy bay nội địa đã tăng khoảng 3,75%, tương đương tăng 50.000 – 250.000 đồng/vé/chiều. Giá vé máy bay tăng đồng nghĩa rằng các tour du lịch nội địa đi bằng đường hàng không cũng phải điều chỉnh giá.
Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng giá vé nội địa đang rất cao so với thu nhập bình quân so với đầu người.
“GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện khoảng 4.500 USD người/năm, tương đương mỗi tháng khoảng 400 USD, mà bây giờ phải mua vé máy bay từ Hà Nội vào TP. HCM với giá rất cao so với mức thu nhập bình quân. Để giảm giá vé máy bay, cần cho phép các hãng máy bay rẻ ra đời để có sự cạnh tranh. Nhưng đây cũng là vấn đề, bởi hiện các phương tiện, cơ sở hạ tầng đều có giới hạn, đặc biệt các không cảng, sân bay còn thiếu thốn, trong khi các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất… đều trong tình trạng quá tải. Hy vọng sân bay Long Thành với dung lượng mới, và các tỉnh thành khác có thêm nhiều sân bay mở rộng để đón thêm được nhiều máy bay hơn”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Theo ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty Du lịch Việt, chi phí vé máy bay luôn là dịch vụ đầu vào quyết định khá lớn đến giá tour. Có thể nói, hàng không là xương sống cho các sản phẩm du lịch nội địa và bất cứ biến động nào của giá vé cũng đều ảnh hưởng trực tiếp tới ngành du lịch.
Chị Trần Đỗ Quyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội có kế hoạch đặt tour cho gia đình đi chơi lễ 30/4 tại Nha Trang. Tuy nhiên, khi được tư vấn giá tour này đang tăng khiến chị phải đổi sang các địa điểm gần, không cần đi máy bay mà có thể đi xe khách, đi tàu hoặc xe tự lái để tiết kiệm chi phí.
Đại diện một doanh nghiệp lữ hành tại TP. HCM cho biết, tăng giá vé máy bay đồng nghĩa đẩy chi phí vận chuyển lên tới 50%, thậm chí 70% giá tour trọn gói. Đây là điều bất hợp lý khi khách hàng không được hưởng lợi nhiều so với số tiền phải bỏ ra. Vị này cho rằng, việc giá vé máy bay tăng cao khiến tour nội địa ngày càng đắt hơn tour nước ngoài.
Cũng trong tình hình đó, nhiều hành khách đã chọn đi du lịch nước ngoài trong dịp 30/4 sắp tới vì giá vé bay cạnh tranh hơn, lại được phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi tại khách sạn xịn hơn. Cụ thể, so với chi phí, hiện nay các tour du lịch trong nước phần lớn ở mức giá từ 7.000.000 – 10.000.000 đồng/chuyến và các tour đi nước ngoài như Thái Lan, Malaysia, Singapore… cũng tương tự.
Lý giải cho nguyên nhân giá vé tăng cao thời gian qua, các hãng hàng không cho biết, dịch vụ vận chuyển hàng không mang tính mùa vụ cao, giai đoạn cao điểm như hè hay dịp lễ 30/4, nhu cầu đi lại tăng đột biến, trong khi nguồn cung của các hãng có hạn, dẫn đến giá vé bị đẩy lên cao.
Bên cạnh đó, còn có một nguyên nhân ảnh hưởng đến giá vé hàng không là do thời gian kiểm tra động cơ hàng chục máy của hai hãng hàng không dẫn dắt thị trường là Vietnam Airlines và Vietjet không thể hoàn thành trong thời gian sớm.
Hơn nữa, việc hai hãng hàng không Pacific Airlines và Bamboo Airways thực hiện việc tái cơ cấu đội máy bay nhằm tối ưu công tác quản trị, tiết giảm chi phí, cắt nợ và chờ thị trường khôi phục đã tác động khá lớn đến số ghế cung ứng trên mạng bay nội địa. Do đó, dẫn đến đội máy bay bị thiếu hụt, cung không đáp ứng được cầu. Ngoài ra, do quy định tăng trần giá vé máy bay chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3, các hãng buộc phải thực hiện điều chỉnh giá vé sau quy định…
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vé máy bay là cấu phần cao trong tour du lịch. Nên nếu giảm được giá vé máy bay thì giảm được cả tour du lịch, từ đó có thể làm ra tour du lịch hấp dẫn hơn. Theo vị chuyên gia này cần có sự chung tay với các hãng máy bay và công ty du lịch, tăng chất lượng dịch vụ thì khách hàng cũng sẽ không e ngại về giá tour.
Từ góc độ người làm du lịch, ông Nguyễn Tiến Trình, Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh, cho biết trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành buộc phải thay đổi chương trình tour cũng như kết hợp nhiều loại hình phương tiện vận chuyển như đường bộ, đường sông thay thế máy bay để hút du khách.
“Hiện nay các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên không vì thế lại nhụt chí, mà cần sự quyết tâm, đồng thuận cùng nhau vượt khó. Các doanh nghiệp du lịch nội địa đã liên kết với nhau, cùng nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết bài toán đảm bảo chi phí dịch vụ hợp lý, an toàn, hiệu quả”, Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành Thành Sen nói.