Chọn điểm dừng chân tại Ngôi nhà Hoa Ếch (trong làng hoa Tân Quy Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp), chúng tôi được anh Trần Thanh Hùng kể cho nghe về Hội quán Cùng nhau làm du lịch mà anh làm chủ nhiệm. Đây cũng là một trong hàng trăm hội quán hoạt động khá hiệu quả, theo nguyên tắc tự quản, tự nguyện của người dân ở Đồng Tháp.
Đến Ngôi nhà Hoa Ếch hòa vào mô hình du lịch trải nghiệm
Anh Hùng tiếp chúng tôi trong không gian ẩm thực của Nhà hàng Hoa Ếch (Flower & Frog). Nhà hàng nằm ngó mặt ra sông Tiền. Gió từ mặt sông rời rợi lùa lên làm nguội bớt cái nắng giữa trưa tháng Bảy khiến tôi thấy dễ chịu sau một hành trình dài. Tôi biết Tân Quy Đông, Sa Đéc là xứ sở của hoa. Tôi cũng biết tên của rất nhiều loài hoa. Nhưng cái tên Hoa Ếch khiến tôi cực kỳ tò mò. Để hóa giải sự tò mò ấy, tôi bắt đầu câu chuyện với anh Trần Thanh Hùng.
Trong khi tôi đang trông đợi những chi tiết bí ẩn mà cái tên Hoa Ếch mang lại thì anh Hùng nheo mắt cười hóm hỉnh: “Hoa Ếch không phải là tên của một loài hoa. Đơn giản nó là hoa và ếch”.
Anh Hùng kể, gia đình anh có 3 đời trồng hoa kiểng. Đến đời mình, anh còn có thêm niềm đam mê với nghề nuôi ếch, đặc biệt là lai tạo ếch giống. Khi chuyển sang làm kinh doanh du lịch, anh muốn lưu giữ lại những hình ảnh nhắc nhớ về quá khứ. Đồng thời nhắc nhở mình và cho mọi người, nhất là du khách biết, dù có là doanh nhân thành đạt, cái gốc của anh vẫn là một nông dân – trồng hoa và nuôi ếch. Thế là anh đặt tên cho homestay là Ngôi nhà Hoa Ếch.
Nằm trong quần thể gồm có vườn hoa và ếch, một nhà hàng, một cơ sở lưu trú (homestay) được anh cải tạo từ khuôn viên nhà, vườn hoa của mình, nên khi đến thăm Ngôi nhà Hoa Ếch, du khách sẽ được thưởng thức mô hình du lịch trải nghiệm: Vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa kiểng trong không gian rời rợi gió sông Tiền, vừa thưởng thức ẩm thực với nhiều món ăn đặc sản theo mùa, tất nhiên không thể thiếu món ếch, vừa trực tiếp tham gia công việc trồng hoa, nuôi ếch do chính ông chủ Trần Thanh Hùng – một nghệ nhân lâu năm trong việc sản xuất hoa kiểng và lai tạo ếch giống – nhiệt tình hướng dẫn. Khi cần lưu trú, du khách có thể nghỉ tại homestay với sức chứa 30 người và trải nghiệm không gian cực kỳ xanh mát.
Từ một nông dân “chính hiệu”, anh Hùng mạnh dạn chuyển qua làm du lịch với những hiểu biết rất mơ hồ về lĩnh vực này, làm tới đâu rút kinh nghiệm tới đó. Đặc biệt, bằng sự nỗ lực ra sức mày mò, học hỏi, chỉ trong một thời gian ngắn, anh Hùng đã chủ động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá sản phẩm du dịch. Ngoài việc sử dụng thành thạo các ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính, anh còn lập cả tài khoản fanpage để cập nhật kịp thời các thông tin hình ảnh về hoạt động du lịch ở địa phương. Anh còn liên kết với hệ thống các trang điện tử như Booking.com, Traveloka… Nhờ đó, Ngôi nhà Hoa Ếch đã thu hút được số lượng đáng kể du khách đến tham quan, lưu trú.
Anh Hùng cho biết, Ngôi nhà Hoa Ếch bắt đầu hoạt động từ tháng 6/2016, không những là cơ sở dịch vụ lưu trú theo hình thức homestay đầu tiên của Sa Đéc mà còn là nơi khởi đầu cho hệ thống homestay ở cả khu vực phía Nam, đã được tỉnh Đồng Tháp chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao và đang phấn đấu lên 4 sao.
Hội quán – “ngôi nhà” của những người thích làm du lịch
Nói về sự ra đời của Hội quán Cùng nhau làm du lịch, Chủ nhiệm Trần Thanh Hùng nhắc lại mốc thời gian 2016, thời điểm đánh dấu sự chuyển động mạnh mẽ nhận thức về du lịch từ những lãnh đạo cao nhất của tỉnh với sự kiện Trung tâm Phát triển du lịch ra đời.
Nếu như Ngôi nhà Hoa Ếch là cơ sở dịch vụ lưu trú theo hình thức homestay đầu tiên của Sa Đéc, là nơi khởi đầu cho hệ thống homestay ở cả khu vực phía Nam thì Hội quán Cùng nhau làm du lịch cũng là hội quán đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp chuyên về du lịch.
Bước đầu thành công của Ngôi nhà Hoa Ếch là nguồn khích lệ đặc biệt với anh Hùng. Nhưng anh nhận thấy việc những người nông dân một bước chuyển đổi qua làm du lịch là thử thách lớn. Mạnh ai nấy làm, không có sự đồng lòng gắn kết sẽ không thể nào phát triển. Anh đem nỗi trăn trở này thổ lộ với một vị lãnh đạo và được gợi ý cho ra đời mô hình hội quán. Thế là Hội quán Cùng nhau làm du lịch được thành lập hoàn toàn tự nguyện, kết nối những người cùng chung ý tưởng, chí hướng.
Tình yêu quê hương sứ xở, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, san sẻ, nâng đỡ, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống… vốn là cái chất rất riêng của người dân miền Tây Nam bộ. Điều đó đã tạo nên điểm khác biệt, góp phần làm nên sự thành công và phát triển không ngờ của hội quán. Từ vài thành viên ban đầu, đến nay Hội quán Cùng nhau làm du lịch đã lên đến con số 35 hội viên cùng “dàn hàng ngang mà tiến”.
Cùng kết nối những điểm du lịch lại với nhau, mục đích ban đầu của anh em là bổ trợ nhau cùng hoạt động để không ai bị bỏ lại phía sau. Sản phẩm dịch vụ nào mình không có mà bạn có thì giới thiệu khách qua cho bạn, không tị hiềm đố kỵ, không cạnh tranh tiêu cực, giải quyết được vấn đề giá cả chênh lệch giữa các điểm tham quan. Còn lại chỉ là tranh đua nhau về chất lượng “sản phẩm” và thái độ phục vụ du khách mà thôi.
Bên cạnh đó, hội quán còn hướng tới mục tiêu du lịch cộng đồng bằng cách kết nối với những hộ dân trồng và kinh doanh hoa kiểng cùng các dịch vụ “ăn theo” khác quanh vùng như cho thuê xe, giữ xe, ăn uống, bán hàng lưu niệm…
Việc xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng này của hội quán giúp người dân địa phương được hưởng lợi từ du lịch, tạo công ăn việc làm, có thêm thu nhập cùng phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất của mình, trên chính sản vật của quê hương mình mà vẫn bảo tồn, phát huy được những nét văn hóa độc đáo của địa phương, giữ được môi trường sinh thái của làng hoa có tuổi đời hơn thế kỷ này, giữ được cảnh quan tươi đẹp của một vùng quê sông nước.
Đằng sau mỗi “sản phẩm” du lịch là câu chuyện về văn hóa, về sản vật, phong cảnh, về làng nghề hoa kiểng truyền thống, về tấm lòng của người nông dân quanh năm dãi nắng dầm sương góp cho đời những bông hoa đầy hương sắc. Chính những điều này đã mê hoặc du khách khi đến với làng hoa Tân Quy Đông, Sa Đéc.
Anh Hùng cho biết rất tự hào vì hội quán đã góp phần xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho hoa kiểng. Sự thành công của Ngôi nhà Hoa Ếch và Hội quán Cùng nhau làm du lịch đã truyền cảm hứng cho bà con làng hoa mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch.
Anh Hùng kỳ vọng 2023 sẽ là năm phát triển đột phá của du lịch Sa Đéc. Anh tin Hội quán Cùng nhau làm du lịch sẽ phát triển khởi sắc hơn trong tương lai, nhất là khi có Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ cho phép làm du lịch trên đất nông nghiệp.