Tín chỉ carbon giờ đây đang có nhu cầu rất lớn, giá ngày càng cao do được xem như tài sản của các doanh nghiệp để xuất khẩu hàng hóa, gọi vốn và duy trì sức ảnh hưởng với xã hội.
Nhu cầu ngày một tăng
Tín chỉ carbon (chứng chỉ carbon) là chứng nhận mang tính thương mại, thể hiện quyền sở hữu về lượng khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác. Chúng được chuyển đổi sang CO2 (Carbon dioxide) tương đương, một tín chỉ carbon sẽ có giá trị bằng một tấn khí CO2 và ngược lại.
Thị trường mua bán tín chỉ carbon là một cơ chế kinh tế, đặt giới hạn lượng phát thải và cho phép các công ty mua bán tín chỉ carbon. Các công ty phát thải thấp hơn mức quy định có thể bán tín chỉ dư thừa cho các công ty khác. Các công ty mức phát thải cao buộc phải mua tín chỉ carbon để trung hòa lượng khí nhà kính hoặc phải nộp phạt hay chịu mức thuế carbon.
Ông Vũ Trung Kiên, chuyên gia tín chỉ carbon, Đại diện Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết từ năm 2021, nhu cầu tín chỉ carbon đã tăng vọt từ 8.000-13.000 triệu tấn/năm. Trong khi đó, lượng cung điều chỉnh xuống còn khoảng 8.000 triệu tấn/năm để cân bằng với tình hình mới dưới tác động của thỏa thuận COP26 và các cam kết quốc tế về giảm phát thải.
“Cầu đang dần tăng lên, trong khi cung bị giới hạn. Trung Quốc ngày càng cho thấy vai trò gia tăng của mình, trở thành lực lượng mạnh nhất trong chuyển đổi xanh, vượt EU và Mỹ”, ông Kiên cho biết.
Sự chênh lệch cung cầu đã tạo áp lực lên giá tín chỉ carbon. Việt Nam đã nhận được 51,5 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) chi trả cho 10,3 triệu tấn CO2 carbon, tương đương mức giá mức giá 5 USD/tấn CO2.
Tuy nhiên, ông Kiên cho biết, đây là một thỏa thuận hợp tác đặc biệt giữa World Bank và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm hỗ trợ các hoạt động giảm phát thải carbon thông qua bảo vệ và phục hồi rừng tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, chưa phải là giao dịch tín chỉ carbon chính thức trên một thị trường có quy định rõ ràng.
“Muốn tăng giá trị tín chỉ carbon thì các dự án giảm phát thải cần được các tổ chức quốc tế uy tín thẩm định và cấp chứng nhận. Điều này mới đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình giảm phát thải”, vị chuyên gia khuyến nghị.
Hiện giá giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam dao động từ 5-17 USD/tấn CO2. Tuy nhiên, trên thế giới, có những dự án đã bán được giá 150 USD/tấn CO2. Thực thế, mức giá này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như loại hình, chất lượng dự án, khả năng giảm phát thải, tác động tới môi trường, các tiêu chuẩn chât lượng được áp dụng, các đồng lợi ích được tạo ra… Vì vậy, một số thống kê cho thấy mức giá tín chỉ carbon trên thế giới thậm chí có thể lên tới 200-300 USD/tấn CO2.
Một số ý kiến cho rằng tín chỉ carbon có thể coi là một loại tiền tệ tương lai trong giao dịch thương mại. Tuy nhiên, theo ông Kiên, để trở thành tiền tệ cần rất nhiều yếu tố: được chấp thuận trong một khuôn khổ pháp lý và thể chế toàn cầu; được tiêu chuẩn hóa và định giá thống nhất; tích hợp với hệ thống tài chính toàn cầu, có khả năng thanh khoản và chuyển đổi linh hoạt như đồng tiền. Ngoài ra, cần đảm bảo nền kinh tế và tài chính ổn định cũng như niềm tin của công chúng, thị trường để được chấp nhận và sử dụng trên toàn cầu.
“Hiện tại tín chỉ cacbon phù hợp là 1 loại tài sản hơn là tiền tệ”, ông Kiên nhận định.
Cơ hội lớn từ những việc nhỏ
Nhưng dù chưa thể trở thành tiền tệ mới nhưng giá trị của tín chỉ carbon không chỉ dừng lại các con số giao dịch từ việc bán trực tiếp hay bù trừ nhằm đạt hạn ngạch phát thải. Ở khía cạnh là loại tài sản mới cho các doanh nghiệp, theo ông Kiên tín chỉ carbon cũng mang đến rất nhiều lợi ích.
Nhìn thấy ngay trước mắt là nó giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định và tránh bị phạt khi nhiều nước bắt đầu đánh thuế carbon, hưởng lợi về thuế. Việc tham gia giảm phát thải đồng nghĩa giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro, tích hợp với các chương trình bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh để tiếp cận nguồn tài chính xanh cũng như các cơ hội đầu tư mới.
Ông Kiên gọi quá trình chuyển đổi xanh giống như doanh nghiệp đang tích lũy nguồn “vốn xã hội”. Lấy ví dụ từ các vụ việc gây ảnh hưởng tới môi trường từng làm dậy sóng dư luận như công ty Vedan, Formosa, FLC… trước đây, vị này cho biết một công ty có trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, môi trường, cộng đồng xung quanh sẽ là một công ty có cơ hội và nền tảng để thành công, phát triển bền vững trong lâu dài.
Theo dự thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng số cơ sở thuộc các danh mục phải kiểm kê khí nhà kính cập nhật là 2.893 cơ sở, chiếm khoảng 34,5% trong tổng phát thải khí nhà kính quốc gia. Vì vậy, chuyên gia Vũ Trung Kiên cho biết nếu các nhà máy sản xuất, khu công nghiệp Việt Nam thực hiện tốt việc giảm phát thải khí nhà kính thì chúng ta sẽ thu được lợi ích lớn từ thị trường tín chỉ carbon.
Vị này khuyến nghị doanh nghiệp nên chủ động thực hiện kiểm kê khí nhà kính càng sớm càng tốt. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp biết mình đang ở đâu và đưa ra được mục tiêu giảm phát thải rõ ràng. Việc này cũng giúp doanh nghiệp có tính toán lượng tín chỉ carbon cần giảm để đạt trạng thái cân bằng carbon, hoặc có lộ trình để tiến tới trở thành người bán tín chỉ carbon.
“Chỉ cần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu lãng phí, thì tự khắc sẽ giảm được lượng khí thải. Đặc biệt, với các doanh nghiệp chế xuất và các khu công nghiệp, việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả năng lượng là giải pháp tối ưu để giảm phát thải. Khi được quốc tế công nhận, những nỗ lực này sẽ được chuyển đổi thành tín chỉ carbon có giá trị”, ông Kiên cho biết.