Sau 2 năm đóng băng, thị trường IPO toàn cầu trở lại một cách dè dặt. Điều này khiến doanh nghiệp ngần ngại việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, dù nhiều công ty khởi nghiệp đã đạt tới trạng thái kỳ lân.
Giống như xu hướng chung của toàn cầu, quý đầu năm, họat động IPO ở Đông Nam Á khá ảm đạm với 38 thương vụ, huy động được tổng cộng 1 USD, giảm so với 51 thương vụ huy động được 1,4 tỉ USD vào cùng kỳ năm trước.
Các quỹ Đông Nam Á được cho là đã trả lại ít vốn hơn cho nhà đầu tư so với các quỹ tập trung vào các khu vực khác. Lợi nhuận phân bổ trung bình của các quỹ Đông Nam Á sau 8-10 năm chỉ bằng 0,4 lần trên vốn góp. Trong khi đó, mức trung bình lợi nhuận phân bổ trên vốn góp là 0,52 lần. Con số này ở các quỹ tập trung vào thị trường Trung Quốc là 0,6 lần, Ấn Độ là 1,3 lần, Mỹ là 1,0 lần và châu Âu là 0,7 lần (tổng hợp từ Google, Bain & Company, Temasek Holdings).
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận thấp hơn dự kiến là do các nhà đầu tư đều khó khăn trong việc thoái vốn khỏi thị trường. Hệ quả này đến từ việc khan hiếm các đợt IPO cũng như định giá thị trường thứ cấp thấp. Việc phân bổ nguồn vốn sẽ tập trung vào các công ty nổi bật trong danh mục nhất định, chủ yếu trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, xu hướng này đã bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất, làm giảm nhu cầu IPO và giảm số lượng niêm yết trên các sàn giao dịch khu vực.
Sự ảm đạm của thị trường cũng kéo dài thêm kế hoạch niêm yết của các startup, dù đã đạt giá trị tỷ USD. VNG, một trong những startup kỳ lân của Việt Nam cũng đã hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 150 triệu USD tại sàn Nasdaq (Mỹ), mặc dù năm 2023, thủ tục IPO của công ty này đã hoàn thành.
Trong một sự kiện mới đây, ông Lê Hồng Minh, CEO của VNG cho biết mọi công ty đều muốn tiến tới IPO như một dấu mốc trong hành trình phát triển. Tuy nhiên, hiện các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng cho đợt IPO của các công ty công nghệ tại Đông Nam Á. Bởi trong năm qua, lãnh đạo công ty này đã gặp gỡ tới 120 nhà đầu tư, nhưng hầu hết họ vẫn chỉ chờ và quan sát. Vì vậy, kỳ lân này cũng không nhất thiết phải IPO bằng mọi giá mà quan trọng là doanh nghiệp đã hiểu rõ những rủi ro và luôn trong tâm thế sẵn sàng đối mặt với rủi ro trên thị trường.
Một startup khác là MoMo cũng từng đặt mục tiêu IPO vào năm 2021, ngay sau khi đạt trạng thái kỳ lân. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, CEO của công ty này lại cho biết trong ngắn hạn sẽ chưa nghĩ tới việc chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Đây cũng là xu hướng chung của nhiều startup trong khu vực. Shein, kỳ lân thời trang nhanh Trung Quốc cũng gặp khó khi nộp đơn IPO của Mỹ do rào cản pháp lý và sự phản đối bởi giới chức nước này. Dù đã chuẩn bị trong suốt 3 năm nhưng công ty buộc phải tìm hướng niêm yết cổ phiếu lên sàn London (Anh).
Theo CEO của kỳ lân VNLife, kể cả ở một thị trường chứng khoán rất sôi động là Mỹ với những thương vụ IPO 2-3 tỷ USD, nhưng sự quan tâm dành cho các công ty công nghệ Việt Nam chưa nhiều. Trong khi đó, để IPO trong nước, doanh nghiệp cũng phải vượt qua nhiều rào cản pháp lý như có lãi ít nhất 2 năm liên tiếp trước khi lên sàn, không được thua lỗ ở thời điểm niêm yết chính thức…
Khảo sát các nhà đầu tư mạo hiểm của Bain & Company vào quý 3 năm ngoái cũng cho thấy, các nhà đầu tư ngày càng có cảm giác cấp bách trong việc hiện thực hóa việc thoái vốn, thu về lợi nhuận và phân phối vốn một cách hiệu quả.
Áp lực ngày càng tăng đối với các quỹ bắt đầu hoạt động từ giữa những năm 2010 vì hiện tại họ đang tập trung vào giai đoạn thu hoạch muộn, nên họ cũng nâng cao các yêu cầu để đảm bảo có được lợi nhuận như kì vọng. Nhưng, cuộc khảo sát cũng cho thấy một thực tế phũ phàng khi 50% nhà đầu tư thừa nhận họ chỉ đạt được một phần, thậm chí không đạt được mục tiêu thoái vốn. Điều này cho thấy những khó khăn chồng chất mà các nhà đầu tư phải đối mặt trên thị trường hiện nay và nó sẽ ảnh hưởng tới khả năng niêm yết của các startup.
Thực tế cho thấy con đường của các kỳ lân Đông Nam Á tiến tới sàn chứng khoán Mỹ không dễ dàng. Những người đi trước như Goto- Grab, Vinfast, SEA… cũng đang rất chật vật để đối diện với những sóng gió thị trường. Bởi lẽ sau khi IPO, doanh nghiệp có thể đối diện với việc nhà đầu tư rút vốn bất cứ lúc nào khi chiến lược của họ hay đổi, ngoài ra là những yếu tố bất lợi đến từ kinh tế, chính trị, xã hội nảy sinh và thị trường chứng khoán thường là nơi bị tác động sớm nhất.
Do đó, các startup công nghệ thận trọng trong việc chào bán cổ phiếu ở thời điểm này là điều dễ hiểu. Việc huy động nguồn vốn lớn từ thị trường đại chúng mang đến cho doanh nghiệp cơ hội để phát triển, nhưng cũng sẽ thay đổi cơ bản cách doanh nghiệp quản trị, vận hành. Doanh nghiệp cũng phải đối diện với áp lực duy trì tốc độ tăng trưởng cao để đáp ứng mong đợi của các đầu tư. Do đó, họ đều phải tính toán rất kỹ về thời điểm và việc được – mất khi niêm yết vì quan trọng nhất với mỗi công ty là phải giữ được hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình.