Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình (IPPG), trên thế giới, mô hình Factory Outlet trong khu phi thuế quan rất thành công, khẳng định được sức hút với du khách quốc tế và nội địa.
Visa du lịch, hộ chiếu du lịch Việt Nam còn chậm
Tại Hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”, ngày 15/11, các chuyên gia, các tập đoàn lớn đều cho rằng, ngành du lịch năm 2023 vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn.
PGS.TS Trần Đình Thiên nêu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: VGP
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, năm qua ngành du lịch chưa đạt kỳ vọng mặc dù nỗ lực rất nhiều, đã “thông” một vài điểm nhưng chưa thông suốt.
“Trong đánh giá toàn bộ cấu trúc của du lịch như một ngành tổng hợp mang tính hệ thống, tính quốc gia, tính quốc tế, chúng ta phải xem “thông” như thế đủ chưa và thông suốt không? Tôi cho rằng, có nhiều vấn đề “thông” nhưng thông suốt là chưa đủ, vì thế có chỗ vẫn bị tắc. Nếu hệ thống chỉ bị tắc một chỗ nào đó, thì những cái “thông” khác trở nên ít giá trị, sẽ không đồng bộ. Và du lịch là điển hình của câu chuyện này. Nguyên tắc chung là chúng ta phải xem hệ thống cơ chế, chính sách, điều hành “thông” như thế nào”, vị chuyên gia nói.
Theo ông Thiên, thời gian qua đã cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của du lịch nội địa, nhất là những lúc khó khăn. Tuy nhiên, du lịch nội địa có lúc bùng lên rồi lại xẹp xuống. Ở một số điểm du lịch lớn, tình trạng khá gay go như ở Phú Quốc. Chúng ta phải kiểm điểm lại tại sao du lịch đã bùng lên, có lúc rất tốt, tưởng rằng sẽ bứt phá rồi lại suy giảm như vậy? Chính sự suy giảm này làm cho niềm tin của người tiêu dùng hướng tới du lịch bên ngoài chứ không phải trong nước. Không chỉ riêng ngành du lịch, mỗi hệ thống có lẽ phải có trách nhiệm với vấn đề này.
Ở phần kích cầu, chúng ta đã kích được lúc đầu, tiêu dùng “trả thù” bùng lên sau Covid-19, nhưng sau này thu nhập của người dân không được hỗ trợ, người dân bắt đầu thắt chặt chi tiêu.
Thứ hai, về phía các địa phương và doanh nghiệp, nhất là các địa phương trọng điểm của du lịch, thì vấn đề quảng bá rất quan trọng, nếu không phát huy được sáng kiến địa phương, không tạo ra được động lực mới cho các doanh nghiệp thì sẽ mất thời cơ. Như hình ảnh Phú Quốc, Hạ Long mà giảm đi thì ảnh hưởng đến toàn bộ du lịch quốc gia.
Về cơ chế, ông Thiên cho rằng câu chuyện mở thị thực còn chậm. Sau khi Bộ Công an mở ra, đã có sự tích cực lên. Nhưng chúng ta cần tính đến tinh thần cạnh tranh, không chỉ cạnh tranh bình thường mà cạnh tranh vượt. Việt Nam đi sau thì phải nỗ lực vượt. Tư duy về mở cửa hội nhập, những chuyến đi của lãnh đạo để kéo đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã mở ra tương lai hội nhập lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, visa du lịch, hộ chiếu du lịch của chúng ta còn chậm.
Cuối cùng, theo vị chuyên gia, chúng ta phải có tầm nhìn xa, phải đặt mục tiêu cao, mang tính thách thức, để biến thách thức thành cơ hội của doanh nghiệp. Hiện nay, thế mở của đất nước đang rất tốt, chúng ta phải làm sao cho du lịch tương xứng với tầm đấy thì cách tiếp cận về mặt chiến lược mới toàn diện được.
Tương lai của Việt Nam là mở về mặt tài chính, mở về thương mại, mở về mặt đầu tư thì du lịch phải mở ra ở tầm cao, lớn như vậy. Nếu không chúng ta xây nhiều sân bay nhưng ít nối với nước ngoài, các hãng hàng không không phát triển tốt và đánh mất cơ hội rất lớn.
Đề xuất mở các Factory Outlet trong khu phi thuế quan để hút du lịch
Bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình (IPPG) đề xuất mở các Factory Outlet trong khu phi thuế quan. Ảnh: VGP
Về phía đại diện doanh nghiệp, nêu giải pháp để phát triển du lịch, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình (IPPG), đề xuất mô hình Factory Outlet trong khu phi thuế quan. Theo CEO IPPG, trên thế giới, mô hình này rất thành công, khẳng định được sức hút với du khách quốc tế và nội địa. Hiện nay, các nước trong khu vực đều có outlet với quy mô hiện đại, hấp dẫn du khách các nước đến mua sắm, kể cả người Việt Nam như Jeju Premium Outlet (Hàn Quốc), Siam Premimum Outlet (Thái Lan)… Nếu outlet của Việt Nam nằm trong khu phi thuế quan sẽ có tính ưu việt và là mô hình đầu tiên trong khu vực có giá bán lẻ rẻ, trực tiếp thu hút được lượng khách lớn từ các nước Đông Nam Á và các nước trong khu vực đến mua sắm thay vì họ phải bay đi châu Âu, châu Mỹ.
“Trong bối cảnh các nước trong khu vực chạy đua quảng bá, ưu đãi để kích cầu du lịch, chúng tôi đề xuất Chính phủ xem xét ban hành các chính sách đột phá để chúng ta khác biệt và bứt tốc như chính sách mua hàng cho khách du lịch quốc tế và nội địa trong khu phi thuế quan”, CEO IPPG nói.
Ngoài ra, theo bà Lê Hồng Thủy Tiên, việc này sẽ góp phần giảm thiểu việc “chảy máu ngoại tệ” khi du khách Việt Nam giảm nhu cầu sang các nước khác mua sắm. Điển hình là khi du khách nội địa Trung Quốc được mua 15.000 USD miễn thuế/người/năm, trong năm 2022, Hải Nam tăng trưởng 80% về du lịch, đầu tư tăng gấp đôi, GDP tăng 4,2 lần.
Thứ hai, bà Tiên đề xuất mô hình cửa hàng miễn thuế (CHMT) tại trung tâm thành phố. Vì theo bà, đặc thù của CHMT là hàng bán nguyên giá thuộc quản lý của thương hiệu danh tiếng trên thế giới. Họ có quyền chọn lọc, phân phối có giới hạn số lượng mặt hàng tại từng quốc gia. Các CHMT sẽ giúp phát triển thương mại chất lượng cao, sẽ tác động, cộng hưởng làm tăng các dịch vụ khác như khách sạn, ăn uống, thương mại, vận chuyển, đồng thời cũng là nơi quảng bá sản phẩm địa phương đến thị trường quốc tế, tăng thu du lịch. Ở Hàn Quốc, ngành này đem lại doanh số 16 tỷ USD/năm cho thành phố Seoul.
Các công ty du lịch Việt Nam được hưởng 10% hoa hồng trên doanh số từ việc bán hàng miễn thuế sẽ giúp giải quyết bài toán giảm giá tour/vé máy bay, giá khách sạn cho các công ty du lịch, lữ hành để có thể cạnh tranh giá tour trong khu vực.
“Chúng tôi cũng đề xuất Chính phủ nghiên cứu quy hoạch chuyên sâu về phát triển thương mại bán lẻ theo hướng hiện đại, bài bản tại khu hải cảng, đường thuỷ, biên giới và các cảng hàng không”, CEO IPPG cho hay.
Một đề xuất nữa là thành lập Hội đồng liên kết du lịch mua sắm bao gồm các đại diện từ các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan đến mua sắm. Hội đồng sẽ đề xuất các chính sách chung về phát triển mua sắm du lịch, phân tích nhu cầu thị trường, kết nối phương tiện quảng cáo hiện đại để thu hút lượng khách du lịch nhiều hơn nữa.
Xem xét điều chỉnh giá bán lẻ điện cho các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch
Đại diện cho địa phương du lịch, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết Kiên Giang có tốc độ tăng trưởng cao về du lịch. Năm 2022 Kiên Giang đón hơn 7,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 223 nghìn lượt khách, doanh thu hơn 10,5 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2023, du lịch Kiên Giang duy trì đà tăng trưởng khá tuy nhiên cũng có thời điểm du lịch giảm cục bộ so với cùng kỳ. Đấy là dịp 30/4-1/5, khách nội địa giảm 9,4% nhưng khách quốc tế tăng 9% so với cùng kỳ. Dịp lễ 2/9 lượng khách giảm 32,9% so với cùng kỳ và khách quốc tế cũng suy giảm.
Tuy nhiên, qua 10 tháng của năm 2023, ngành du lịch Kiên Giang vẫn đạt mức tăng trưởng cao so với kế hoạch, đó là điểm sáng và có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Từ cuối tháng 10 đến nay, lượng khách du lịch có sự tăng mạnh trở lại, nhất là khách quốc tế. Từ đây đến cuối năm, sẽ đón tiếp 3 chuyến bay của khách Ấn Độ tổ chức đám cưới tại Phú Quốc. Năm 2023 Kiên Giang đón trên 8,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đón trên 573.000 lượt khách, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng, tăng 65,1% so với cùng kỳ.
Du lịch Kiên Giang có sự phát triển nhanh, tuy nhiên quá trình hồi phục du lịch, cũng như các địa phương khác, cũng gặp không ít khó khăn thách thức và hạn chế nhất định. Trước hết, tác động tiêu cực của tình hình thế giới, khách quốc tế đến Việt Nam nói chung, Kiên Giang nói riêng sụt giảm, không ổn định.
Thứ hai, cạnh tranh giữa các điểm đến, khu, điểm du lịch trong khu vực. Giá vé máy bay từ các thị trường du lịch lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, cả đường bay quốc tế đến Phú Quốc luôn cao hơn các địa phương khác, kể cả trong ngày thường chứ không riêng dịp lễ Tết. Có những thời điểm một vé khứ hồi chặng Hà Nội-Phú Quốc có giá trên 10 triệu đồng. Những điều này cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến.
Khó khăn thứ ba là việc tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa thực sự hiệu quả, nhất là sau đại dịch có tình trạng cạnh tranh giữa các điểm đến.
Về chủ quan, sản phẩm dịch vụ du lịch của tỉnh mặc dù đã quan tâm đầu tư nhưng chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với du khách trong tình hình mới. Hiện nay mới chỉ khai thác tài nguyên du lịch biển đảo là chính, khai thác giá trị về văn hóa lịch sử di tích danh thắng phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế. …
“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ trước mắt sớm kết nối nhiều hơn đường bay quốc tế, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài. Thực hiện chính sách thị thực linh hoạt. Xem xét điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất cho phù hợp Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị”, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nói.
Xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội để tiếp tục phát triển thời gian tới. Tuy nhiên, liên kết phát triển du lịch giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là về quản lý, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm, nhân lực chưa thực chất, hiệu quả. Hiện nay, vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”, liên kết ngành, nhất là giữa giao thông vận tải, công thương, y tế… với du lịch chưa chặt chẽ, chưa hình thành mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược cùng phát triển; chưa tạo được chuỗi dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, chưa có các chiến dịch kích cầu du lịch tầm cỡ quốc gia.
Các sản phẩm du lịch chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm, không có nhiều sản phẩm đặc sắc Việt Nam theo tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; công tác đánh giá, dự báo, định hướng phát triển thị trường chưa rõ nét, đồng bộ, sát thực tiễn. Chuyển đổi số trong du lịch ở cả cấp Trung ương và địa phương chưa mạnh mẽ, đồng bộ.
Nhấn mạnh một số quan điểm phát triển du lịch trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành du lịch để phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Phát triển hệ sinh thái du lịch toàn diện, nhanh, bền vững, hiệu quả cao.
Xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử. Phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển KTXH với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn…
“Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, nét đẹp đất nước, con người Việt Nam. Chú trọng vừa phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn; vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao”, Thủ tướng nêu rõ.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: Thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Quảng Ninh, Ninh Bình…).
Tiếp tục đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng KTXH, nhất là hạ tầng logistics theo hướng tăng cường liên kết tỉnh, liên vùng, liên kết trong nước với quốc tế.
Tăng cường quan hệ hợp tác công – tư theo cơ chế thị trường trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; có cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch.
Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập; Xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh; Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa; Đẩy nhanh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.