Ngày 10/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với UBND 2 huyện Đắk Hà, Tu Mơ Rông (Kon Tum), tổ chức lễ khai giảng “Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2024”.
Chương trình nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022 – 2025 và định hướng đến năm 2030, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, hướng tới chuyên nghiệp hóa và từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch địa phương. Đồng thời, góp phần nhanh chóng đưa du lịch của 2 huyện Tu Mơ Rông và Đắk Hà nói riêng, cũng như tỉnh Kon Tum nói chung, nhằm phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Các nội dung đào tạo trong chương trình cũng hướng đến việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa bản địa, lễ hội truyền thống, tạo động lực phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thông qua khóa đào tạo, bồi dưỡng, Ban Tổ chức mong muốn hỗ trợ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số; giúp các doanh nghiệp du lịch tại địa phương nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ, tính chuyên nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển du lịch bền vững.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum khoá I – năm 2024 kéo dài 6 tháng với sự tham gia của 20 học viên đã được UBND 2 huyện Đắk Hà và Tu Mơ Rông lựa chọn, giới thiệu. Chương trình có sự tham gia giảng dạy của giảng viên các trường đào tạo về du lịch, các chuyên gia du lịch.
Hầu hết các học viên có định hướng làm việc tại các điểm du lịch, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và cam kết phục vụ cho ngành du lịch tại địa phương sau khóa đào tạo. Học viên cam kết tham dự đủ thời gian và học tất cả các học phần đào tạo trong chương trình.
Ông Nguyễn Ngọc Tấn – Ủy viên Ủy ban Trung ương Hội, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam, chia sẻ mong muốn sau khóa đào tạo này, các học viên sẽ trở về địa phương, ngoài việc trực tiếp phục vụ khách, họ sẽ là các hạt nhân, truyền đạt lại kiến thức đã được học cho những người khác trong thôn bản của mình.
“Từ đó, nguồn nhân lực du lịch tại các địa phương sẽ được nhân rộng, cách làm du lịch ở những nơi này sẽ chuyên nghiệp và bền vững; góp phần làm hài lòng du khách khi tới vùng đất Tây Nguyên còn nhiều gian khó này”, ông Tấn nhấn mạnh.
Dịp này, Câu lạc bộ Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng ký kết biên bản hợp tác với nhiều đơn vị, tổ chức, địa phương. Việc hợp tác này nhằm phát huy thế mạnh của các bên trong các lĩnh vực hoạt động của mình; tăng cường hợp tác hỗ trợ, cùng nhau hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững, đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.