Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đề nghị nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), từ 100 triệu lên 200 – 300 triệu đồng, và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu này phù hợp từng thời kỳ thay vì giao cho Chính phủ.
Tại phiên họp chuyên đề để cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Thuế VAT (sửa đổi), ngày 14/8, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Luật VAT năm 2013 hiện hành đang quy định cụ thể mức doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm). Mức doanh thu 100 triệu đồng/năm nếu được tính theo tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ năm 2013 đến nay thì sẽ là 285 triệu đồng.
Theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, nếu xây dựng mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm thì số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm 620.653 hộ, số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 2.630 tỷ đồng.
Nếu mức doanh thu không chịu thuế là 300 triệu đồng/năm thì số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm 734.735 hộ, số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 6.383 tỷ đồng.
“Đa số ý kiến đề nghị quy định cụ thể mức doanh thu hàng năm từ 200 hoặc 300 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế VAT”, ông Mạnh cho biết.
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, mức quy định 200 triệu là thấp nhưng nếu quy định 300 triệu lại quá cao, vì theo tính toán thì mức 100 triệu đồng từ 2013 tương đương với hiện nay là 285 triệu đồng. Theo đó, ông Thanh đề xuất mức “ở giữa” là 250 triệu đồng, vì mức này ảnh hưởng đến số thu không quá nhiều, cũng sát mức 285 triệu đồng nói trên.
“Nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trong quá trình điều hành nếu có sự thay đổi sẽ điều chỉnh mức này phù hợp, hài hòa giữa các quan điểm”, ông Thanh nêu.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, cũng cho rằng nên quy định ở mức 200 – 300 triệu đồng và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh chứ không nên “không chế” mức cụ thể.
Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh, quyết định 78/2010 của Thủ tướng cho phép hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT ở khâu nhập khẩu. Điều này đã ảnh hưởng đến hiệu quả thu thuế VAT, đặc biệt với giao dịch mua bán các hàng hoá này thông qua nền tảng số và sàn giao dịch thương mại điện tử.
“Nhiều ý kiến đề nghị chấm dứt miễn thuế VAT hàng nhập khẩu giá trị nhỏ”, ông Mạnh cho hay và dẫn chứng: Thực tế, hàng ngày đang có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử. Tức mỗi ngày bình quân 45-63 triệu USD hàng giá trị nhỏ không được thu thuế nhập khẩu, VAT.
Ông Mạnh thông tin Chính phủ đang dự thảo nghị định về quản lý hải quan với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử để mở rộng, bao quát nguồn thu và phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này sẽ làm tăng số thu về thuế VAT từ các từ kinh doanh thương mại điện tử.