Mỗi năm, tài sản ảo Việt Nam giao dịch với quy mô không dưới 100 triệu USD. Điều này đặt ra bài toán cần có chính sách quản lý phù hợp chứ không thể ban hành các lệnh cấm.
Phiên giao dịch ngày 12/3 chứng kiến đỉnh mới của đồng Bitcoin kể từ khi phát hành, chạm mốc 73.000 USD. Bất chấp những bê bối trong năm 2023 liên quan đến phá sản, gian lận và vi phạm quy chế giám sát, ngành công nghiệp tiền ảo vẫn đạt được nhiều thành tựu.
Tổng giá trị tài sản ảo dự kiến sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu, lên tới 16,1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, theo Boston Consulting Group. Việt Nam hiện là một trong 10 nước tham gia nhiều nhất vào thị trường tiền số, theo Coin98 Insights. Lượng tiền mà các nhà đầu tư Việt Nam sở hữu trên Binance (sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới) hiện đã lên tới hơn 20 tỷ USD trong 1 tháng.
Điều này cho thấy, tài sản ảo vẫn là xu hướng lớn, vì vậy, theo lãnh đạo Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), những lệnh cấm sẽ không còn khả thi mà thay vào đó phải có những chính sách quản lý hiệu quả để bảo vệ nhà đầu tư, thu thế hay truy tìm tội phạm lừa đảo và rửa tiền. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam bị đưa vào danh sách giám sát tăng cường (Danh sách Xám) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), việc hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý tài sản ảo càng cấp bách hơn.
“Cần phải nhanh chóng ban hành các quy định quản lý tiền ảo, tài sản ảo phù hợp với tiêu chuẩn FATF nhằm đưa Việt Nam ra khỏi “danh sách xám” về phòng, chống rửa tiền”, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA cho biết.
Thực tế, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao các bộ ngành liên quan xây dựng khung pháp lý về tải sản ảo, tiền ảo. Tuy vậy đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Ngày 23/2/2024, Quyết định số 194 được ban hành thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nỗ lực này nhằm đưa Việt Nam ra khỏi “danh sách xám” của FATF, hạn chế những bất lợi trong hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác quốc tế của Việt Nam. Chính phủ hiện giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng khung pháp lý để cấm hay điều chỉnh ngành công nghiệp tiền ảo, thời hạn đến tháng 5/2024.
Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho hay các cơ quan, tổ chức đang hoạt động tại Việt Nam rất quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho tài sản ảo. Tuy nhiên, việc cấm hay điều chỉnh tài sản ảo đều đặt ra những xung đột lợi ích giữa nhóm đối tượng đầu tư, kinh doanh truyền thống như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và những người trong lĩnh vực kinh tế số như blockchain, AI, IoT…
Năm 2025 là năm thứ 15 trong lịch sử ngành công nghiệp tiền ảo. Nhiều Chính phủ đang tăng cường kiểm soát lĩnh vực này, trong bối cảnh giao dịch tiền ảo, tài sản ảo trên thị trường ngày càng phức tạp.
Đơn cử tại Hoa Kỳ, từ 2014, nước này xác định các loại tiền mã hoá như Bitcoin sẽ bị đánh thuế là tài sản chứ không phải là tiền tệ. Năm 2021, tiền mã hoá lần đầu tiên được đề cập đến trong luật pháp Hoa Kỳ, trong Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng và được gọi là tài sản số. Theo đó, những vị hoạt động trong lĩnh vực này sẽ phải tuân thủ các quy tắc giao dịch, chống tội phạm tài chính, đăng kí giấy phép hoạt động, tuân thủ quy định chống rửa tiền…
Tại khu vực châu Âu, đạo luật quản lý thị trường tiền mã hoá đã được thông qua trong năm 2023, dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2024. Trước đó, khu vực này cũng tung ra nhiều chính sách nhằm chống rửa tiền trong lĩnh vực tài sản ảo, quy định chuyển tiền, tăng cường bảo vệ người dùng…
Nhật Bản giao Sở giao dịch tài chính (Financial Services Agency – FSA) chịu trách nhiệm quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tiền mã hoá. Để phù hợp với quy định của FATF, Hàn Quốc đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo phải đăng ký với cơ quan quản lý tài chính, áp dụng quy tắc đối với giao dịch tài sản ảo quốc tế trên 1 triệu won (~ 880 USD).
Hồng Kông đã công bố chế độ cấp phép bắt buộc đối với các nền tảng cung cấp dịch vụ tiền mã hoá. Singapore ban hành Đạo luật Dịch vụ Thanh toán, yêu cầu các doanh nghiệp tiền mã hóa phải có giấy phép từ cơ quan tiền tệ. Thái Lan xác định tiền mã hóa và token số là tài sản số chứ không phải là tiền tệ hợp pháp, đánh thuế lợi ích từ tài sản số, hạn chế dịch vụ cho vay và đặt cược tiền mã hóa trong lĩnh vực DeFi…
TS Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên cấp cao ĐH RMIT Việt Nam, cho biết Việt Nam được đánh giá là một trong những trung tâm giao dịch tiền số năng động nhất trên thế giới. Tuy nhiên khung pháp lý chưa hoàn thiện dẫn đến nhà đầu tư khó được bảo vệ trước các nguy cơ lừa đảo. Cơ quan thuế thất thu thuế từ các hoạt động liên quan đến tiền số, đồng thời khó khăn trong việc truy tìm tội phạm tiền số.
Vì vậy, theo các chuyên gia, việc cấm tài sản ảo là không hợp lý, cần phải có chính sách điều hướng hoạt động tiền ảo đi đúng hướng vì đây là xu thế không thể đảo ngược. Bởi thực tế, theo đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhiều giao dịch tiền ảo vẫn rất đáng ngờ được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, do chưa có khung khổ pháp lý nên các giao dịch này vẫn coi là thỏa thuận dân sự, ngân hàng không thể can thiệp. Do vậy, việc giám sát, quản lý tiền mã hóa là nhiệm vụ cấp bách cần phải có khung khổ pháp lý.