Tại hội thảo quốc gia thường niên lần thứ nhất về bản quyền và quyền sao chép tại Việt Nam diễn ra ngày 9/8 tại TP.HCM, các đại biểu đã đánh giá tình trạng vi phạm bản quyền, quyền sao chép tác phẩm đang diễn ra công khai với nhiều loại hình, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Hội thảo do Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Viện Triết học Phát triển, Viện Những vấn đề phát triển và Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức phối hợp tổ chức, với mục tiêu giúp các cá nhân, đơn vị hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật, cũng như thảo luận về cách thức triển khai và thực hiện một cách hiệu quả việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan thông qua việc thực thi quyền sao chép tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Không chỉ cho rằng nhiều nơi, nhiều người còn nhận thức mơ hồ về vấn đề tác quyền, bà Nguyễn Thị Sánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam nhận định, việc vi phạm bản quyền tác giả, đặc biệt là quyền sao chép tác phẩm ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra một cách công khai, hiển nhiên, mọi lúc, mọi nơi với tất cả các loại hình tác phẩm.
PGS-TS Đào Duy Quát, nguyên Phó ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, cũng cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khi công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo phát triển thì tình trạng này cực kỳ phổ biến. Theo PGS-TS Đào Duy Quát, không riêng gì các tác phẩm văn học nghệ thuật mà tình trạng ăn cắp chất xám, xâm phạm bản quyền còn diễn ra phổ biến ở các luận văn thạc sĩ và tiến sĩ.
Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ, hành vi xâm phạm tác quyền còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực với những “chiêu trò” khó lường mà nổi cộm là tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên nền tảng công nghệ số với lối mòn suy nghĩ rằng sử dụng sản phẩm sao chép, đạo nhái, vi phạm bản quyền là việc bình thường…
Thực trạng này không những đã xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của chủ sở hữu tác phẩm, mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, lâu dài đối với công cuộc phát triển nguồn lực của đất nước, cản trở quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: Thói quen dùng chùa các công trình sáng tạo của người khác, Tùy tiện lấy các bài viết, công trình nghiên cứu trong các tuyển tập, toàn tập để làm các tập sách chuyên đề riêng trong sách văn học và y học mà không xin phép chủ sở hữu tác phẩm gốc, Học sinh, sinh viên đều lấy việc photocopy làm phương tiện tích hợp tài liệu để làm bài, 100% thanh thiếu niên dùng điện thoại, máy tính download chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
“‘Tình trạng này chẳng những đã xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của tác giả mà còn gây ra những hệ lụy lâu dài về ý thức và trách nhiệm đối với sản phẩm trí tuệ của nhân loại sẽ tạo nên một thế hệ ăn cắp chất xám của người khác’, đây là ý kiến của Chủ tịch Hội Bản quyền thế giới khi nói về quyền sao chép, nhưng cũng chưa phải là nguyên nhân chính mà căn nguyên gốc lõi của tình trạng này là nhận thức của người sử dụng.
Do đó nâng cao nhận thức của xã hội là việc cực kỳ gian nan. Hiệp hội Quyền sao chép của chúng tôi đã ra đời trên 10 năm, đã tổ chức bao nhiêu cuộchội thảo từ Bắc vào Nam nhưng đến nay vẫn chưa thấy kết quả”, bà Sánh nhận định
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia và khách mời đã trình bày các tham luận, tập trung vào các chủ đề: Đánh giá thực trạng việc vi phạm bản quyền; Các giải pháp giải quyết vấn đề vi phạm bản quyền; Các biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan trong quá trình hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng giới thiệu một số điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 và Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; phân tích các khía cạnh liên quan đến quyền nhân thân, quyền tàisản của tác giả; hướng dẫn quy trình và thủ tục đăng ký quyền tác giả; các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự để bảo vệ quyền tác giả.