Trong khi các ông lớn tập trung vào sản xuất chip công nghệ cao thì thị trường lại đang rất cần những sản phẩm chip phân khúc thấp, phù hợp với năng lực của Việt Nam.
Viettel, FPT, VinGroup, CMC… đều là những ông lớn công nghệ Việt Nam đang nỗ lực chạy đua bước chân vào ngành bán dẫn. Một số đã ra mắt phiên bản chip đầu tiên được xuất khẩu và phục vụ nhu cầu nội địa. Tuy vậy, với điều kiện của Việt Nam hiện tại, các công ty công nghệ hàng đầu trong nước vẫn chưa thể cạnh tranh trực diện với các tập đoàn bán dẫn hàng đầu như TMCS hay Nvidia. Để phát triển và tồn tại trên thị trường, họ chọn phương án đi vào các thị trường ngách.
Nhận thấy thị trường đang thiếu hụt sản phẩm chip quản lý nguồn Power IC, trong khi các hãng lớn đang tập trung vào các loại chip công nghệ cao, FPT đã nhận ra đây là cơ hội của họ.
Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty Hệ thống Thông tin FPT kiêm Chủ tịch Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT, cho biết, trong ngành bán dẫn, cùng một sản phẩm, cùng một tiêu chuẩn có thể cạnh tranh toàn cầu, một khi chúng ta đã có thể cạnh tranh được thì chúng ta thành công. Ở FPT, những sản phẩm đầu tiên đã được đón nhận, đó là chip quản lý nguồn Power IC.
FPT đã sản xuất những con chip tương tự như của những “ông lớn” như Texas Instruments hay NXP Semiconductors, và mang đi chào hàng. Sản phẩm hiện có 7 khách hàng từ các nước Nhật, Hàn, Úc, với đơn hàng 70 triệu con chip.
“Cứ sản xuất đến đâu thì họ nhập khẩu đến đó. Tuy trong một ngành có vẻ cạnh tranh rất quyết liệt nhưng chúng ta vẫn có những khe để vào. Chúng tôi đã vào được và đang tiếp tục đi tìm những khe như vậy. Cộng với đội ngũ nhân lực công nghệ ra trường mỗi năm, các chuyên gia từ nước ngoài trở về, chúng tôi sẽ tiếp tục làm các bước tiếp theo và cùng nhau đẩy ngành này lên.
Những con chip của Việt Nam hiện đang cạnh tranh với các công ty hàng đầu thế giới. Có những công nghệ chúng ta thua họ từ 10-20 năm và có những thị trường họ đã phủ quá rộng, chúng ta chỉ sản xuất sản lượng nhỏ sẽ không thể cạnh tranh nếu đi chính diện. Nếu bảo FPT làm chip 5G đi cạnh tranh với Qualcom thì không thể cạnh tranh được”, ông Hòa nói.
Khi ngành bán dẫn trở thành chủ đề nóng trong năm 2023, với nhiều tập đoàn bán dẫn lớn có động thái muốn vào Việt Nam, thì câu chuyện phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cũng được mang ra mổ xẻ ở nhiều khía cạnh. Các chuyên gia đầu ngành đều phân tích rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển lĩnh vực này, nhưng trước mắt, nên tập trung vào những thế mạnh mà ta đang có.
GS. Viện sỹ Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, cho biết nếu chỉ nói về chiến lược, tác động đến kinh tế xã hội thì phát triển công nghiệp bán dẫn là một hướng đi tốt. Vấn đề là cần biết Việt Nam đang ở đâu, có những điều kiện gì, kể cả thuận lợi và khó khăn để chúng ta xây dựng được dự án khả thi nhất.
Ngành công nghiệp bán dẫn có rất nhiều công nghệ chung, thành tựu chung cho cả thế giới. Khi nghiên cứu, phân tích về các nước phát triển công nghiệp bán dẫn, cái chung là họ đều xây dựng trên nền nghiên cứu của một loạt khoa học cơ bản rất quan trọng, trong đó có khoa học vật lý (vật lý vật liệu, vật lý chất rắn, vật lý điện tử), cùng với đó là xây dựng một loạt công nghiệp phụ trợ làm nền tảng cho phát triển công nghiệp bán dẫn điện tử.
“Đây là cái chung cho tất cả chứ không thể nói là anh đi riêng, thậm chí chung cho cả các ngành khoa học công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn vi điện tử. Nhưng mỗi người đều có những hướng đi riêng. Việt Nam nên học tập cái chung và đúc kết để tạo ra cái riêng. Không thể nói đi học tập người khác, coppy nguyên công nghệ về làm sẽ thành công”, ông Sỹ nói.
Một chuyên gia từng cho biết để sản xuất con chip 7nm tốn tới 300 triệu USD, đây là mức chi phí rất lớn với các doanh nghiệp Việt Nam. Đó cũng là lý do các startup, công ty nhỏ, khi họ thiếu nguồn lực để đầu tư sản xuất chip, họ cũng bắt đầu bằng việc đi làm gia công thiết kế cho các đơn vị ở nước ngoài để lấy kinh nghiệm.
Ông Lục Đức Trí, Sáng lập, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ VNChip, đơn vị chuyên gia công thiết kế chip cho các công ty tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, cho biết đây là lĩnh vực khá màu mỡ ở Việt Nam. Bởi trong ngành bán dẫn, những công ty thiết kế chip của nước ngoài luôn thiếu nguồn kĩ sư, lúc đó họ sẽ cần nhân sự tiềm năng đến từ Việt Nam tham gia vào khâu nào đó để bổ trợ họ hoàn thành dự án.
Ông Trí cho biết, chủ động sản xuất chip là ước mơ của mọi doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, con đường này rất dài và cần nguồn lực đầu tư lớn (hàng triệu USD). Vì vậy, bước đầu, VNChip lựa chọn bước đi chậm và chắc để tích lũy kinh nghiệm, tiến tới có thể đảm nhiệm một khâu trong chuỗi công nghiệp bán dẫn.
Các chuyên gia cho biết, Việt Nam có nhiều điều kiện để xây dựng công nghiệp bán dẫn nhưng hiện tại cũng còn thiếu nhiều yếu tố để phát triển ngành này. Do vậy, lựa chọn thị trường ngách đang là một cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia để tích lũy kinh nghiệm. Mỗi doanh nghiệp chỉ cần làm tốt ở một ngách thị trường cũng là động lực và nền tảng phát triển công nghiệp bán dẫn nội địa trong tương lai.