56 tỷ USD phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội là con số không nhỏ. Mặc dù địa phương được phép sử dụng 100% tiền thu từ giao thông công cộng (TOD) để tái đầu tư, nhưng theo chuyên gia, cần huy động đa dạng nhiều nguồn lực khác để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
Theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung điều chỉnh (đã được Bộ Chính trị và Quốc hội cho ý kiến) đang hoàn tất thủ tục phê duyệt, mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội sẽ có 14 tuyến, với khoảng gần 600km, tổng vốn đầu tư khoảng 56 tỷ USD.
Với nguồn vốn lớn như vậy, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có cơ chế “trong khu vực giao thông công cộng (TOD), thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư”, cùng các chính sách khác về huy động nguồn lực để đảm bảo tính khả thi của các dự án khi triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, trao đổi trong tọa đàm “Luật Thủ đô 2024 – bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá” hôm 25/7, Thạc sĩ Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch – tài chính, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, cho biết trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có tới 7-8 nhóm chính sách để huy động nguồn lực cho Thủ đô. Điều này góp phần khắc phục hạn chế về việc thiếu nguồn lực, điển hình như lĩnh vực giao thông, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khiêm tốn.
Tuy vậy, để huy động nguồn vốn lớn lên tới 56 tỷ USD phát triển mạng lưới 14 tuyến đường sắt đô thị, ông Thành cho biết vẫn cần phải đa dạng các nguồn lực thực hiện. Các nguồn lực này bao gồm: ngân sách thành phố, vốn vay trái phiếu, nguồn thu quyền sử dụng đất, huy động từ phát triển đô thị theo định hướng TOD, ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Ngoài ra, cần tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại khu vực đô thị trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Đặc biệt ưu tiên các tuyến kết nối với các đầu mối giao thông của thành phố như sân bay, ga đường sắt quốc gia đầu mối, các khu đô thị tập trung dân cư…
Với Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội sẽ có quyền tự chủ điều chỉnh nhiều quy hoạch về hạ tầng đô thị, thay vì phải trình Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ, thường mất đến 12 tháng như trước đây. Ngoài ra là những cơ chế thông thoáng trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP… Đặc biệt, Luật đưa ra một khái niệm mới, quan trọng là “nhà đầu tư chiến lược”, trong đó ưu tiên thu hút nhà đầu tư vào một số lĩnh vực như đường sắt đô thị, giao thông thông minh, gắn với chuyển đổi số…
Luật đã đưa ra khái niệm phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); đồng thời dành nguyên 1 điều trong Luật để quy định các nội dung cơ bản về cách thức triển khai thực hiện, thẩm quyền cũng như các cơ chế chính sách thực hiện mô hình này trong thời gian tới. Theo ông Thành, điều này giống như “cởi trói” cho việc phát triển hệ thống giao thông công cộng đã được nhắc tới trong 10 năm qua nhưng còn tồn tại nhiều bất cập.
“Không có lý do gì các quốc gia khác làm được, chúng ta không làm được. Luật Thủ đô là “cơ hội vàng” để chúng ta sửa chữa, khắc phục những tồn tại, vướng mắc. Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã xây dựng trình HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết 07 là nghị quyết đặc thù về đầu tư xây dựng bến bãi đỗ xe, giao thông thông minh. Bên cạnh đó là một loạt cơ chế chính sách đang được xây dựng, trong đó có các chính sách về bến xe ngầm…Chúng tôi sẽ huy động toàn lực, lựa chọn những đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và thực tiễn để đưa ra những cơ chế chính sách thật khả thi”, ông Thành nói.
Hiện nay, Hà Nội, TP.HCM và Bộ Giao thông vận tải đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị TP.Hà Nội và TP.HCM để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.
Nhưng vị chuyên gia cũng lưu ý, trong quy hoạch xuyên suốt từ trước đến nay và sau này, phát triển giao thông hiện đại cũng như các lĩnh vực khác tại Thủ đô sẽ luôn gắn với bảo tồn.
Liên quan đến việc triển khai, áp dụng Luật Thủ đô năm 2024, ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, cho biết rút kinh nghiệm Luật Thủ đô 2012 có quá nhiều chính sách chung chung, khó áp dụng, Luật Thủ đô lần này quy định rất cụ thể. Tuy vậy, vẫn cần phải nỗ lực thể chế hóa và tổ chức thực hiện để phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách vượt trội này.
“Chúng tôi đang thực hiện rà soát các văn bản của TP Hà Nội ban hành trước khi thi hành Luật Thủ đô 2024. Tất cả các sở, ngành phải rà soát, nếu chưa phù hợp phải điều chỉnh ngay hoặc ban hành mới. Chúng ta phải nhìn lại đoạn trước đây cái gì chưa tốt thì phải sửa, cái gì tốt rồi phải tiếp tục phát huy. Khi các văn bản đã được ban hành, trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục đánh giá. Khái niệm của ngành tư pháp là “theo dõi thi hành pháp luật”, tức là đánh giá các kết quả đạt được, các quy định đó có phù hợp hay không? Nếu chưa phù hợp, chúng ta phải đề xuất điều chỉnh ngay, nhất là các quy định chi tiết”, ông Công Anh nhấn mạnh.