Diễn đàn khu công nghiệp Việt Nam năm 2024 được tổ chức, với chủ đề: “Kỷ nguyên vươn mình của khu công nghiệp Việt Nam”, diễn ra ngày 19/12/2024, tại TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, nhiều chuyên gia kinh tế, lãnh đạo khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT),… đều cho rằng, sau hơn 30 năm, mô hình KCN đã khẳng định vị trí ngày càng quan trọng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Với nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào KCN (ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đất đai, tín dụng,…), mô hình KCN là một trong những giải pháp để thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.
Tại một số địa phương, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp trong KCN, KKT/tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn chiếm tới trên 20%, một số địa bàn có KKT ven biển, tỷ lệ này đạt trên 60% (Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Long An).
Hiện nay, nhiều KCN đã chú trọng trong chuyển đổi thành KCN thế hệ mới thông minh bền vững trong kỷ nguyên mới.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 12/2022, KCN, KKT đã thu hút được gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ đô la Mỹ, giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động và giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong KCN, KKT chiếm khoảng 50% giá trị kim ngạch xuất của cả nước hàng năm.
Những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 35 – 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT đạt khoảng 221,33 tỷ đô la Mỹ, trong đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT khoảng 9,33 tỷ đô la Mỹ và vốn đầu tư của các dự án đầu tư trong KCN, KKT là 212 tỷ đô la Mỹ.
Do các cơ sở sản xuất được tập trung trong KCN, khu chức năng trong KKT nên công tác bảo vệ môi trường được kiểm soát chặt chẽ hơn so với doanh nghiệp nằm ngoài các khu này, đặc biệt là công tác xử lý nước thải, chất thải rắn. Do đó, có thể nói các KCN, KKT đóng vai trò quan trọng có ý nghĩa hàng đầu trong quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế.
Nâng cao năng lực xúc tiến đầu tư cho các khu công nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình
Ông Nguyễn Đồng Trung – Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ Bộ Ngoại giao, cũng cho biết, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng của thị trường Việt Nam vẫn khá tích cực, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo, cuối năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam sẽ cao hơn năm 2023, đạt một mức kỷ lục mới trong giai đoạn 5 năm 2019-2024.
Đáng chú ý, FDI đổ vào Việt Nam dẫn đầu là các ngành có giá trị cao như công nghiệp chế biến, điện tử, linh kiện ô tô, chất bán dẫn và công nghệ xanh (tính đến ngày 30/9/2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 9,02 tỷ USD, chiếm 66,6% tổng vốn đăng ký cấp mới).
“Chúng ta đang chuyển đổi mạnh mẽ từ việc thu hút các dự án sản xuất truyền thống, phát huy lợi thế chi phí lao động thấp, thành thu hút các dòng vốn đầu tư vào công nghệ cao, chuyên sâu, với năng lực sản xuất cao” – ông Nguyễn Đồng Trung cho biết thêm.
Cần thay đổi tư duy xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp
Tại diễn dàn, các chuyên gia cũng cho rằng, tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng việc phát triển KCN, KKT thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế như: chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển KCN chưa đáp ứng yêu cầu; liên kết, hợp tác trong KCN giữa các khu với nhau và giữa KCN với khu vực bên ngoài còn hạn chế; KCN phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội; hiệu quả sử dụng đất tại KCN chưa cao;…
Đặc biệt, theo ông Trung, công tác thu hút xúc tiến đầu tư vốn FDI của các KCN hiện nay vẫn còn mang tính cục bộ, lẻ tẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm. “Doanh nghiệp đi xúc tiến đầu tư, kết nối với các đối tác nước ngoài, khi đó không chỉ là câu chuyện của riêng doanh nghiệp đó, mà còn là câu chuyện xúc tiến cho hình ảnh quốc gia”.
“Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã từng tổ chức xúc tiến đầu tư cho 2 doanh nghiệp, địa phương khác nhau trong cùng một ngày với cùng đối tác. Tôi cho rằng đó là sự lãng phí về nguồn lực, vô hình trung chính chúng ta đang cạnh tranh với nhau trên thương trường quốc tế” – ông Trung nói.
Theo ông Nguyễn Đồng Trung – Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ Bộ Ngoại giao, mới đây Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài không chỉ thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, mà trên tất cả các mặt, lĩnh vực của đất nước như ngoại giao, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, bảo vệ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Ngoại giao sẵn sàng là đầu mối phối hợp với các tổ chức, khu công nghiệp, địa phương để cùng nhau tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư ra nước ngoài hoặc mời các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam.
Chia sẻ quan điểm về ý kiến của Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ Bộ Ngoại giao, bà Kim Khánh – Tổng giám đốc Cổng thông tin khu công nghiệp Việt Nam (VIZ), cho rằng trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, sự dịch chuyển về chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của thế giới thì các khu công nghiệp của Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để tăng cường xúc tiến thu hút các dòng vốn FDI chất lượng.
Cho rằng chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận, phương thức xúc tiến hiện nay, bà Kim Khánh đề xuất, các chủ đầu tư, lãnh đạo các KCN cần đoàn kết đồng lòng để tập trung nguồn lực về tài chính, con người, công nghệ để cùng nhau đi xúc tiến, tiếp cận các chủ đầu tư lớn của thế giới. Khi đó, chúng ta mới thực sự là một “thế lực”, một đối tác xứng tầm với những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới.
“Bởi như ông Đồng Trung đã chia sẻ, không dễ tiếp cận được các tập đoàn, doanh nghiệp tầm cỡ thế giới. Ngoài việc chuẩn bị sẵn hạ tầng nguồn lực để đi xúc tiến, thì các khu công nghiệp cũng cần có phương thức tiếp cận chuyên nghiệp và bài bản, quy mô hơn. Thậm chí, nếu tập hợp được mạng lưới, tập trung được nguồn lực thì chúng ta có thể cùng nhau mời được các nhà đầu tư tiềm năng về việt nam để tăng hiệu quả cho hoạt động xúc tiến đầu tư. Đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” – bà Kim Khánh cho biết thêm.
Phan Thái