Các công ty công nghệ đang ‘thả mồi’ để thu hút các startup thông qua những chương trình ươm mầm khởi nghiệp, những đề bài liên tục được đưa ra nhằm thu về các ý tưởng tiềm năng, những nhà phát triển nổi bật.
Coi các startup như “con cưng”
“Bất kì một sinh viên, nhóm nghiên cứu nào cũng có khả năng trở thành các nhà sáng lập trong tương lai nếu họ có ý tưởng độc đáo”, ông Trần Minh Quân, phụ trách phát triển công nghệ cao tại NVIDIA, chia sẻ.
Công ty này cũng sắp xếp các nhà phát triển sẽ được thành 4 nhóm chính: doanh nghiệp (nhóm 1), các công ty phần mềm (nhóm 2), startup (nhóm 3), và các phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu của các giáo sư, các nghiên cứu sinh, sinh viên (nhóm 4). Bất kỳ ý tưởng nào từ các nhóm còn lại đều có khả năng trở thành startup. Điều này cho thấy mục tiêu của “gã khổng lồ” là sẽ không bỏ qua bất kì nghiên cứu, dự án tiềm năng nào đang xuất hiện trên thị trường công nghệ.
“Chúng tôi rất trân trọng bài toán mà các bạn đang giải quyết trong khi người khác không giải được, vì chúng rất phù hợp để chạy trên các nền tảng của NVIDIA. Vì sao? Vì khi đó các bạn không cần phải bắt đầu lại con đường 25 năm mà công ty đã đi qua mà có thể cùng chúng tôi phát triển tiếp”, ông Quân nói.
Tăng cường tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp cũng là hành động chung của các ông lớn công nghệ toàn cầu. NVIDIA, Google, Microsoft, Meta, Amazon… đã phải mất hàng chục năm để nghiên cứu các công nghệ lõi, gây dựng hệ sinh thái, nhưng công nghệ mới ngày nay với sự thay đổi nhanh chóng đã khiến thị trường không đủ kiên nhẫn đợi thời gian dài như vậy. Họ buộc phải rút ngắn thời gian R&D bằng việc M&A hoặc hợp tác với các startup đã có các ý tưởng độc đáo.
Gã khổng lồ tìm kiếm đã tung ra chương trình “Google for Startups Accelerator: Circular Economy” nhắm tới các công ty khởi nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận ở châu Á – Thái Bình Dương và Bắc Mỹ, nhằm tăng tốc khởi nghiệp trong các lĩnh vực như học máy, trí tuệ nhân tạo và công nghệ không gian địa lý.
Trong khi đó “con đẻ” của tỷ phú Bill Gates phát triển nền tảng “Microsoft for Startups Founders Hub” nhằm giúp các startup châu Á tiếp cận khoản tín dụng hơn 300.000 USD và miễn phí các công nghệ, công cụ, tài nguyên của Microsoft cần thiết để các nhà phát triển hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Các công ty khác cũng đã mở cửa nhà mình bằng việc công khai các bài toán, các vấn đề của mình nhằm tìm kiếm các ý tưởng, giải pháp đang có trên thị trường để giải quyết vấn đề đó.
“Thả con săn sắt, bắt con cá rô”
Đã có 18.000 startup trên hơn 100 quốc gia toàn cầu tham gia chương trình ươm tạo của NVIDIA, với tỷ lệ tham gia các chương trình tăng 37% mỗi năm từ 2022. Trong đó có nhiều startup nổi bật đã được hỗ trợ như Canva, Ninija Van, Tiket.com, DaNa… Điều này minh chứng cho chiến lược thu hút startup của gã khổng lồ đã thành công.
Thị trường công nghệ vì thế cũng tạo ra những xu thế đảo ngược. Nếu trước đây, các startup, nhà phát triển thường rất vất vả khi tìm gặp các ông lớn để xin một cơ hội hợp tác cùng; thì giờ đây họ lại được chính những ông lớn chủ động mở cửa mời vào.
“Chúng tôi có môn học có thể giúp các nhà sáng lập hiện thực hóa ý tưởng tốt hơn vì họ có thể trao đổi trực tiếp, thường xuyên với các mentor và được hướng dẫn bởi những kỹ sư giàu kinh nghiệm. Khi ý tưởng được kiểm chứng, họ có quyền tiếp cận hơn 150 phần mềm được phát triển bởi NVIDIA, trên tổng số 3.000 bộ công cụ phát triển. Như vậy các bạn có thể biết được thế giới đang đi như thế nào, những công nghệ tối tân nhất đang hoạt động ra sao. Việc của các bạn chỉ là hiện thực ý tưởng trên nền tảng đó. Khi các bạn đã hoàn thiện dự án, chúng tôi có thể hỗ trợ các bạn kết nối với các quỹ đầu tư, quảng bá trên các nền tảng của NVIDIA”, ông Minh cho biết.
Các công ty công nghệ khác cũng có những nỗ lực tương tự để thu hút nhiều hơn các startup về phía mình. Họ đang tận dụng thế mạnh sẵn có từ hệ sinh thái của chính họ (công nghệ nền tảng, vốn, chuyên gia, đối tác…) nhằm tạo nên một môi trường giống như “phòng lab miễn phí”. Tại đây, các nhà phát triển đang được các tập đoàn công nghệ xem như “con cưng” để bồi dưỡng. Bất kì ý tưởng nào mang đến sẽ được hỗ trợ từ A-Z, kể cả việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, nhằm trở thành startup và tiến tới thành “kỳ lân”. Đổi lại, các tập đoàn sẽ có thêm cơ hội thu hút các nhà phát triển tiềm năng, thâu tóm ý tưởng, giải pháp mới để gia tăng sự cách biệt với các đối thủ trong ngành.
Xu hướng săn tìm startup vì thế cũng đang trở thành làn sóng nổi bật trong thị trường M&A công nghệ Việt Nam, với sự dẫn đầu của các “anh cả” như FPT, Vingroup, Viettel, VNG…
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc, FPT Smart Cloud cho biết các công ty công nghệ như đơn vị này luôn coi mình là công ty khởi nghiệp vì sau ý tưởng là quá trình thử nghiệm rất nhiều lần và không phải lúc nào cũng thành công.
“Bởi các nhà khoa học nghiên cứu rồi đưa ra API (kết nối với các ứng dụng khác) và nghĩ rằng các công ty thành viên của FPT sẽ dùng, nhưng cuối cùng không ai dùng vì mọi người cần sản phẩm hoàn thiện để giải quyết bài toán của họ. Sau quá trình thử nghiệm, hiện nay một số sản phẩm của chúng tôi đã ở giai đoạn phát triển theo mức độ từ 10-100”, ông Minh nói.
Vì vậy, FPT Smart Cloud đều quay lại vòng lặp (ý tưởng – thử nghiệm – phát triển – trưởng thành) cho các sản phẩm khác nhau. Đó cũng là lý do công ty này tiếp tục săn tìm các startup công nghệ để làm phong phú cho hệ sinh thái của mình. Nhiều startup nổi bật đã bắt tay được với đơn vị này như Rootopia, Coolmate, Citi Work, Caliio.
“Startup nào cũng hướng đến kỳ lân nhưng hành trình này rất gian nan và rất ít công ty có thể đạt được. Tuy vậy, startup có nhiều phương thức khác để phát triển, chẳng hạn như trưởng hợp Base.vn về với FPT”, ông Minh nói.