Với lợi thế khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ và có nguồn nước dồi dào từ công trình thủy nông Chờ Lồng, rất thuận lợi cho phát triển rau, nhiều hộ nông dân ở xã Yên Sơn, huyện Yên Châu đã trồng rau xanh theo hướng hữu cơ, an toàn, phục vụ nhu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập.
Là hợp tác xã đầu tiên trồng rau của xã Yên Sơn, những ngày này, các thành viên HTX Thanh Sơn, bản Quỳnh Phương đang tất bật thu hái bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, rau cải ngọt… cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX có 7 thành viên, trồng 15 ha rau, quả các loại, đều sử dụng hệ thống tưới tự động. Mùa nào loại ấy, HTX đưa vào trồng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, như bí xanh lai F1, bắp cải ngắn ngày TV20 chịu nhiệt… Ngoài sản xuất rau an toàn chính vụ, HTX còn sản xuất 5,5 ha rau an toàn trái vụ theo hướng hữu cơ; trồng trái vụ, tuy năng suất thấp, dễ bị sâu bệnh hại, đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ, nhưng giá bán cao và dễ tiêu thụ hơn. Sản lượng rau, quả của HTX đạt gần 500 tấn/năm, doanh thu gần 2 tỷ đồng.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn, diện tích rau của HTX bị úng nước, hư hại, giảm năng suất. Sau khi nước rút, HTX đã hướng dẫn các thành viên san bồi lại mặt luống, chọn trồng các loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn; áp dụng kỹ thuật ươm cây giống trong khay hoặc túi bầu, bảo đảm tỷ lệ cây sống cao, cây mau bén rễ. Ngoài ra, vận động các hộ tăng cường sử dụng phân hữu cơ giúp đất tăng độ tơi xốp.
Ông Phạm Văn Dựng, thành viên HTX Thanh Sơn, cho biết: Gia đình trồng hơn 3.000m2 bí xanh, đỗ. Được HTX hướng dẫn, gia đình đã đắp bờ bao xung quanh vườn, đào rãnh thoát nước giữa các luống; sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế rửa trôi. Riêng đối với bí xanh, làm giàn chắc chắn, đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Từ đầu năm đến nay, gia đình đã thu hoạch 10 tấn quả bí xanh, bán với giá trung bình 10.000 đồng/kg, cho thu nhập 100 triệu đồng.
Ngoài HTX Thanh Sơn, hiện nay nhiều hộ dân trên địa bàn xã Yên Sơn đã mở rộng diện tích trồng rau an toàn, mang lại thu nhập ổn định. Anh Trần Văn Tỉnh, người có thâm niên trồng rau ở bản Chiềng Hưng, chia sẻ: Trước đây, bà con chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm và bón phân vô cơ. Sau khi được các phòng chuyên môn của huyện và xã tuyên truyền, tập huấn, hiện nay gia đình đã tự chế thuốc bảo vệ thực vật từ hành, tỏi, ớt; tự ủ phân hữu cơ để chăm bón cho rau. Vì vậy, với hơn 5.000m2 trồng bí và đỗ cô ve, có thời điểm cho thu hoạch 4-5 tấn/tháng, thu lãi từ 100-150 triệu đồng/năm.
Hiện nay, xã Yên Sơn có trên 40 hộ sản xuất rau an toàn, với tổng diện tích gần 30 ha, tập trung tại các bản Quỳnh Phương, Chiềng Hưng. Mỗi năm, cung ứng ra thị trường trên 700 tấn rau, quả các loại. Ngoài trồng rau thương phẩm, bà con còn ươm cây rau giống cung cấp cho các địa phương lân cận.
Ông Đỗ Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, cho biết: Trồng rau an toàn là hướng đi phù hợp, giúp nhiều hộ dân ổn định việc làm và thu nhập cao. Xã đã chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển vùng rau an toàn, hữu cơ. Chỉ đạo các HTX trên địa bàn quan tâm, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và lựa chọn loại giống mới phù hợp với thời vụ, thổ nhưỡng. Lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ HTX, nông dân trồng rau xây dựng nhà màng; khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển vùng rau an toàn bền vững.