Tại hội thảo “Doanh nghiệp trong nước sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao, thời cơ và thách thức”, nhiều ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành nhận định vẫn còn quá nhiều thách thức khi đưa các thiết bị y tế công nghệ cao do doanh nghiệp trong nước vào các bệnh viện.
Cơ hội có nhưng còn quá nhiều thách thức
Hiện cả nước có hơn 1.300 bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, trong khi tình trạng dân số gia tăng và già hóa diễn ra nhanh chóng đặt ra nhu cầu thiết bị y tế, vật tư tiêu hao ngày càng tăng. Đây vừa là thời cơ vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Ngọc Thuý – Giám đốc Công ty Cổ phần nhà máy Wembley Medical cho biết, hiện tại doanh nghiệp sản xuất dụng cụ y tế công nghệ cao dù được tạo điều kiện đầu tư sản xuất, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế trong nước duy trì sản xuất chỉ còn số lượng rất hạn chế. Nguyên nhân chính do ngành công nghiệp trong nước chưa đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, nên việc nhập khẩu nguyên liệu vẫn phụ thuộc vào nước ngoài. Doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế phải đầu tư lớn vào thiết bị, máy móc, nhà xưởng… trong khi giá thành sản phẩm vẫn phải đảm bảo thấp, cạnh tranh với hàng nhập khẩu…
Bác sĩ Phạm Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng đồng tình với điều này. Ông cho rằng, TP.HCM có hệ thống cơ sở khám chữa bệnh lớn nhất cả nước. Cụ thể, hiện hệ thống y tế của Thành phố hơn 130 bệnh viện, 51 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, 12 bệnh viện Bộ – ngành, còn lại là các bệnh viện quận, huyện và bệnh viện tư nhân. Lượng bệnh nhân điều trị ngoại và nội trú hơn 6 triệu lượt trong năm 2023… Với quy mô vô cùng lớn như vậy việc từng bước chủ động sản xuất và cung ứng thiết bị, vật tư y tế trong công tác khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh cho người dân kịp thời và chất lượng đóng một vai trò rất quan trọng.
Thực tế hiện nay, nguồn cung của thiết bị y tế Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế trong nước số lượng còn rất hạn chế. Đại dịch Covid -19 vừa qua đã cho thấy rõ điều đó. Do đó công nghiệp sản xuất thiết bị y tế là một ngành được Nhà nước quan tâm, đã có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển cho các doanh nghiệp sản xuất y tế trong nước.
Tuy nhiên, thị trường thiết bị y tế Việt Nam lại gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt với các nhà sản xuất trong và ngoài nước. Doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế gặp nhiều khó khăn khi phải đầu tư lớn vào thiết bị, máy móc, nhà xưởng… trong khi giá thành sản phẩm vẫn phải đảm bảo thấp, cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Chưa kể khó khăn trong đấu thầu do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về danh mục hồ sơ chứng minh tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm, thời gian cấp giấy phép lưu hành khá lâu…
Hàng Việt Nam chất lượng cao phải kèm theo giá rẻ
Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc điều hành, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho rằng, đa phần các bệnh viện vận hành theo cơ chế tự chủ nên vấn đề đặt ra là chất lượng phải bảo đảm, nhưng giá thành phải rẻ hơn hàng nhập khẩu. Theo ông Tuấn, các bệnh viện luôn ưu tiên dùng hàng trong sản xuất nước, nếu đảm bảo được chất lượng cao, giá cả tốt.
Đây cũng là vấn đề băn khoăn của ông Trương Hùng, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị y tế TPHCM, khi cho rằng rất khó để các thiết bị y tế sản xuất trong nước được các bệnh viện chấp nhận sử dụng. Các thiết bị trong được sử dụng điều trị trong các khoa như sten tim, phẫu thuật tim… là việc không đơn giản, nên cần có cơ chế thẩm định cũng như ủng hộ từ các chính sách và sự quan tâm của Nhà nước hơn nữa.
“Đây là lĩnh vực sản xuất đòi hỏi quá nhiều yếu tố như kỹ thuật, công nghệ, chất lượng, để theo đuổi sản xuất những sản phẩm này thực sự phải dũng cảm, chấp nhận những khó khăn lớn để có được những ghi nhận”, ông Hùng đánh giá.
Phó giáo sư, Bác sĩ Tăng Chí Thượng Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất các thiết bị y tế công nghệ cao, góp phần vào việc nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân, giảm bớt chi phí khám chữa bệnh cho người dân.
Tuy nhiên, người quản lý đầu ngành Y tế của TP.HCM cũng mong muốn, các doanh nghiệp nên Việt hóa các dây chuyền sản xuất, thay cho việc nhập khẩu toàn bộ hệ thống máy móc, công nghệ như hiện nay từ các nước tiên tiến.
“Ngày 4/3/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 657/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp Dược TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó sẽ hình thành và phát triển Khu Công nghiệp chuyên ngành Y Dược với các nhà máy sản xuất dược phẩm, dược liệu, các sản phẩm phụ trợ; đặc biệt là sản xuất thiết bị, vật tư y tế. Đây chính là cơ hội và thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia nghiên cứu, sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao với các doanh nghiệp quốc tế hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Để làm được điều đó ngành thiết bị Y tế Việt Nam rất cần đến những giải pháp đổi mới sáng tạo, cập nhật và ứng dụng khoa học công nghệ vào việc nghiên cứu, quản lý, vận hành, sản xuất nhằm đảm bảo cung cấp một cách kịp thời, chất lượng và cạnh tranh cao trong toàn chuỗi cung ứng”.